Toàn cảnh toạ đàm. |
Thông tin tại Toạ đàm “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý” do được tổ chức ngày 12/6 tại TPHCM, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho biết, thị trường tín chỉ carbon mở ra các cơ hội kinh tế mới cho Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể tận dụng việc bán tín chỉ carbon và đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo.
Điều này, không chỉ giúp giảm chi phí tuân thủ các quy định về môi trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo lộ trình, đến năm 2028, Việt Nam mới tham gia vào sàn giao dịch tín chỉ carbon của thế giới. Để tham gia vào sân chơi này, Việt Nam cần tích lũy tín chỉ carbon bằng cách đầu tư vào các dự án giảm phát thải khí nhà kính như năng lượng tái tạo, tái trồng rừng, và cải tiến công nghệ sản xuất, GS.TS Võ Xuân Vinh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, phát triển thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả.
Diễn giả trao đổi tại toạ đàm. |
Bên cạnh đó, cần khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư vào thị trường này để tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa các loại hình tín chỉ carbon có thể giao dịch. Đặc biệt, Chính phủ nên khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và các dự án giảm phát thải thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế.
TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc công ty TNHH trung tâm Đào tạo tín chỉ Carbon toàn cầu và ông Lê Anh Ngọc, Chuyên gia đánh giá trưởng, Công ty SGC Việt Nam cũng đã đưa ra những kiến giải thực tế để doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về thị trường tín chỉ carbon.
Việc hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia thị trường tín chỉ carbon mà còn đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Liên quan đến quy định đối với việc doanh nghiệp mua tín chỉ carbon, Trưởng phòng Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Cao Tung Sơn, cho biết, các doanh nghiệp có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải vượt quá hạn ngạch.
Tuy nhiên, việc mua bán phải tuân thủ các quy định về minh bạch và công khai, nhằm tránh tình trạng lợi dụng mua bán tín chỉ để tiếp tục xả thải không kiểm soát.