Về sự cần thiết phải xây dựng Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa đã xác định Văn hóa là một trong ba mặt trận, cùng với Kinh tế và Chính trị. Trong những năm qua, dù đã được quan tâm, nhưng việc đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ các nội dung cần triển khai nhằm xây dựng nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 cũng khẳng định rất rõ nội dung này.
"Nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Chính vì vậy việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tờ trình do Bộ trưởng Bộ VHTTDL trình bày cũng cho biết, Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.
Sẽ có 10 nội dung thành phần trong Chương trình gồm: Thứ nhất, phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Trong đó tập trung Xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng môi trường văn hoá từ cơ sở; tập trung đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hoá thể thao tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hoá của nhân dân đồng thời phát triển hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa nghệ thuật chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa. Trong đó tập trung đa dạng hóa các loại hình, phương thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, thù địch, xấu độc.
Thứ tư, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, đầu tư có trọng tâm trọng điểm các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật trọng điểm tầm cỡ quốc gia, mang tính biểu tính biểu tượng của thời đại mới, hướng tới kỷ niệm những sự kiện lớn của đất nước từ nay đến năm 2030, 2035 và 2045.
Thứ sáu, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp văn hóa và thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao.
Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa.
Thứ tám, phát triển nguồn nhân lực văn hóa.
Thứ 9 là hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thứ 10 là tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.
Đối tượng, phạm vi của Chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đề xuất này nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Vì vậy Chính phủ đề xuất xin ý kiến Quốc hội về nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, do nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9 Điều 4 của Luật Đầu tư công.
Về thời gian thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi Chương trình được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035.
Trong đó năm 2025 chỉ tập trung chỉ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.
Để phù hợp với Luật đầu tư công và thời điểm xây dựng kế hoạch 5 năm, Chính phủ dự kiến chỉ đề xuất nguồn ngân sách sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ năm 2025. Trường hợp Quốc hội thông qua thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025, các Bộ, ngành, địa phương mới có căn cứ để xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí để triển khai nhiệm vụ này.
Kỳ trung hạn 2026 - 2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; Giai đoạn thứ 2 theo kỳ trung hạn 2031 - 2035: Tiếp tục phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế Việt Nam.
Về thống nhất quản lý các Chương trình, dự án liên quan đến phát triển văn hóa đã được phê duyệt, tránh trùng lặp, báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày nêu, để đảm bảo tập trung nguồn lực và thống nhất quản lý, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tập trung các nội dung về văn hóa thuộc dự án số 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình này trong giai đoạn 2026-2030 (đề xuất này cũng đã được sự đồng thuận của Ủy ban Dân tộc).
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững có nội dung liên quan đến đầu tư cho lĩnh vực văn hoá: Hai chương trình này chỉ phê duyệt đến giai đoạn 2021-2025 nên việc thực hiện các nội dung trên trong Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đảm bảo không trùng lặp.