ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH: Tiềm ẩn rủi ro dây chuyền khi ngân hàng "đổ tiền" vào trái phiếu doanh nghiệp | |
Ngân hàng "thắng lớn" từ trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro gia tăng | |
Ngân hàng thương mại tăng mua trái phiếu lẫn nhau |
Chính thức siết ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Internet |
NHNN vừa ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022.
Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp. Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành. Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Đồng thời, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện như: Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn; doanh nghiệp phát hành không được có nợ xấu trong vòng 12 tháng gần nhất và phải có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn…
Thông tư cũng yêu cầu, tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền…
Thông tư 16 còn quy định nhiều trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, ngoài thẩm định trước khi mua, tổ chức tín dụng phải thực hiện theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
Về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, NHNN quy định, tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng thương mại cũng phải phân loại, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM, tổ chức tín dụng thực hiện việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật về việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng thực hiện việc phân loại, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro đối với số dư mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.