Thanh khoản ngân hàng sẽ ở trạng thái tích cực
Trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục không có hoạt động bơm/hút ròng vốn đáng kể nào thông qua thị trường mở (OMO). Tuy vậy, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục, từ 0,15 - 0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần.
Về mặt bằng lãi suất huy động, trong tháng 8, các kỳ hạn ngắn (1 - 3 tháng) tiếp tục chứng kiến đà giảm. Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần gốc quốc doanh giảm 0,2%, trong khi nhóm NHTM cổ phần có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,08%. Hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở sâu dưới mức trần 4,25%. Trong khi đó, ở kỳ hạn dài (12 tháng) chứng kiến sự trái chiều giữa nhóm NHTM cổ phần gốc quốc doanh (tăng 0,2%) và nhóm NHTM cổ phần có quy mô vốn nhỏ (giảm 0,28%).
Về phía cung vốn, NHNN có thể sẽ tăng cường sử dụng nghiệp vụ OMO để bơm vốn ra thị trường (thay cho kênh mua vào ngoại tệ) trong trường hợp cần thiết nên cung vốn sẽ vẫn được đảm bảo. Trên cơ sở đó, “thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo vẫn ở trạng thái tích cực trong các tháng cuối năm” – các chuyên gia của BVSC dự báo.
Ít yếu tố ngoại biên tác động lên tỷ giá
Trong tháng 8, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM có diễn biến trái chiều. Trong khi tỷ giá trung tâm giảm 13 đồng (tương đương 0,06%) thì tỷ giá tại các ngân hàng lại tăng nhẹ 9 đồng (tương đương 0,04%). Tuy về, về tổng thể thì mức biến động như trên là không quá lớn. Như vậy, so với cuối năm 2019 thì tỷ giá trung tâm vào cuối tháng 8 đã tăng 0,2% trong khi tỷ giá tại các NHTM gần như đi ngang, không có sự thay đổi nào.
Còn theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), trong những tháng cuối năm sẽ ít xuất hiện rủi ro từ bên ngoài đối với tỷ giá của Việt Nam do các nền kinh tế lớn duy trì nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Việt Nam sẽ duy trì thặng dư tài khoản vãng lai ở mức khoảng 2,6% GDP trong năm 2020. Điều này cộng với việc dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây, sẽ góp phần ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong phạm vi tương đối hẹp là khoảng 23.300 - 23.500 đồng/USD trong những tháng cuối năm 2020” – Chuyên gia của VNDIRECT dự báo.
Bước sang năm 2021, theo chuyên gia của VNDIRECT còn kỳ vọng rằng, đồng USD sẽ vẫn yếu trong năm 2021 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, năm 2021 cũng sẽ có ít rủi ro đối với tỷ giá Việt Nam trong năm 2021 và dự báo đồng Việt Nam chỉ mất giá nhẹ trong khoảng 0,5 - 1,5% so với USD trong năm 2021, nhằm cân bằng giữa mục tiêu ổn định tỷ giá và hỗ trợ xuất khẩu./.Chu Duy