【ty so duc】Cắt, giảm hàng chục loại phí, lệ phí
đồng thời sẽ giảm 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí. Mức giảm khoảng từ 5% đến 25% mức hiện hành; một số khoản phí được điều chỉnh giảm mạnh.
Sẽ không thu 10 khoản phí, lệ phí
Là người được giao trực tiếp rà soát, tập hợp và xây dựng các văn bản hướng dẫn về giảm chi chi phí cho doanh nghiệp (DN), ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Chính sách thuế, phí, lệ phí (Vụ Chính sách thuế) – cho hay, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thống nhất quy định sẽ không thu 6 khoản phí và 4 khoản lệ phí. Cơ sở của việc quy định không thu các khoản phí, lệ phí chính là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại các cơ quan thu phí, lệ phí theo hướng bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết, để từ đó cắt giảm chi phí có liên quan đến các thủ tục này.
Tiêu biểu trong cải cách TTHC góp phần giảm chi phí DN là việc Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Nghị định này quy định bỏ một số thủ tục liên quan đến thu phí, lệ phí, cụ thể: Bãi bỏ thủ tục xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; bãi bỏ quy định về thời hạn của giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hóa chất; miễn trừ cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp đối với hàng hóa chứa tiền chất nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng, tiền chất nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 170/2016/TT-BTC gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương theo hướng bỏ quy định thu một số khoản phí, lệ phí sau: Phí thẩm định phê duyệt biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất: 8 triệu đồng/bộ hồ sơ; phí thẩm định cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp là 1,2 triệu đồng/giấy phép; lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp: cấp mới là 200.000 đồng/giấy phép, cấp lại là 100.000 đồng/giấy phép.
Theo ông Tuấn, việc bãi bỏ các thủ tục này là bước quan trọng trong cải cách, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất, góp phần giảm các chi phí của DN; qua đó cắt giảm đáng kể về thời gian, chi phí do không phải thực hiện các thủ tục không cần thiết. Đồng thời với việc bỏ các TTHC là bãi bỏ các khoản phí, lệ phí có liên quan, nhờ vậy mà các DN tiết kiệm chi phí đầu vào.
Qua rà soát, tổng hợp và căn cứ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 215/2016/TT-BTC, trong đó quy định miễn lệ phí đăng ký kinh doanh và miễn phí cung cấp thông tin DN lần đầu áp dụng cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Quy định này nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nhỏ và vừa. Hiện nay có khoảng 1,7 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, khi đăng ký chuyển đổi thành DN sẽ được miễn phí, lệ phí nêu trên.
Đối với một số khoản phí lệ phí khác cũng được cắt bỏ như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu và Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y (Thông tư sửa đổi Thông tư số 285/2016/TT-BTC). Theo đánh giá của các cơ quan quản lý chuyên ngành, quy định không thu 2 khoản lệ phí nêu trên góp phần đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí DN (DN không phải tốn thời gian và chi phí đi lại, chi phí nộp lệ phí và nhận giấy chứng nhận...).
Giảm mức thu 23 khoản phí, lệ phí
Đại diện Vụ Chính sách thuế cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 75/NQ-CP, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để rà soát, thống nhất điều chỉnh giảm mức thu của 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như từ các văn bản đóng góp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, việc giảm mức thu các khoản phí, lệ phí đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng DN và các hiệp hội ngành nghề. Các DN, hiệp hội cho rằng, quy định điều chỉnh giảm phí, lệ phí để tạo thuận lợi cho DN là một xu hướng tích cực. Đây chính là hành động cụ thể, thiết thực, thể hiện sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương cùng chung sức hỗ trợ DN tiết giảm chi phí đầu vào, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giảm chi phí cho DN, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mức giảm phí và lệ phí tuy không nhiều, nhưng một số quy định giảm phí có ý nghĩa rất quan trọng và đã được triển khai thực hiện. Nổi bật là quy định giảm một số khoản phí, lệ phí như: Lệ phí thành lập DN mức giảm từ 200.000 xuống 100.000 đồng, theo đó DN thành lập mới được áp dụng chính sách này và được hưởng lợi.
Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đối với lệ phí đăng ký qua mạng, ước tổng số tiền giảm cho DN mỗi năm là 8 tỷ đồng. Đối với DN nộp hồ sơ trực tiếp, việc quy định giảm 50% lệ phí từ 200 nghìn đồng xuống còn 100 nghìn đồng thì ước tính số tiền giảm cho DN mỗi năm là 21 tỷ đồng. Với chính sách mới này các DN có thêm động lực và niềm tin đối với thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.
Việc giảm mức phí, lệ phí tuy về ngắn hạn có thể giảm nguồn thu, nhưng về dài hạn DN kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Trên thực tế, nguồn thu từ phí, lệ phí chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 3-5%) trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Số liệu tổng hợp cho thấy, Bộ Tài chính đã có công văn gửi xin ý kiến với 17 dự thảo thông tư quy định về phí, lệ phí. Tính đến ngày 23/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông tư và dự kiến trong tháng 11 và tháng 12/2017 sẽ ban hành thêm 12 thông tư quy định không thu hoặc điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí. |
Đức Minh