【bd gh】Ngân hàng ôm nợ xấu vì khó xử lý tài sản bảo đảm
Tuy nhiên, dù nền kinh tế đã bước đầu phục hồi, hệ thống ngân hàng “hồi sức” sau giai đoạn khó khăn, hoạt động xử lý nợ xấu vẫn chưa thể tăng tốc bởi những bất cập về hành lang pháp lý, mà nổi bật là việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Thời gian xử lý TSBĐ mất trung bình 2 năm
Trao đổi tại hội thảo “Quyền xử lý TSBĐ của các tổ chức tín dụng (TCTD)” do Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 6/12/2016, các đại diện ngân hàng cho biết, hiện nay, tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng TSBĐ chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình xử lý TSBĐ gặp nhiều vướng mắc do hệ thống pháp luật còn thiếu các quy định về xử lý TSBĐ, hoặc quy định không phù hợp, không đồng bộ, mâu thuẫn; thực tiễn áp dụng và thực thi các quy định pháp luật chưa đúng của cơ quan liên quan thi hành pháp luật gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý TSBĐ.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thời gian trung bình ngân hàng xử lý TSBĐ là nhà ở, phương tiện giao thông, máy móc thiết bị để thu hồi nợ mất khoảng 24 tháng. Có những vụ việc thi hành án trải qua 30 lần điều chỉnh giá với thời gian xử lý lên tới 5 năm, gây tốn kém chi phí lớn.
Mặc dù theo quy định của pháp luật, ngân hàng có quyền xử lý TSĐB nhưng thực tế, việc thực hiện các quyền của ngân hàng với TSBĐ rất khó khăn. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, phần lớn các ngân hàng không thể thực hiện quyền thu giữ TSBĐ để xử lý theo quy định của pháp luật, vì thường bên bảo đảm không hợp tác, chống đối việc bàn giao tài sản. Ngay cả khi đã mất nhiều thời gian đễ đưa vụ việc ra tòa xét xử, đã có bản án có hiệu lực thi hành nhưng nhiều trường hợp vẫn không thu hồi được do cơ quan thi hành án chưa quyết liệt, người thi hành án chây ỳ hoặc có “quan hệ” với chính quyền địa phương.
“Một số trường hợp, do chủ tài sản có nhiều quan hệ với địa phương, hoặc chủ tài sản có “lịch sử” hay chống đối, khiếu nại các cơ quan ban ngành nên cơ quan thi hành án “ngại” cưỡng chế các đối tượng này”, đại diện Vietcombank chia sẻ.
Ngân hàng chưa có thực quyền với TSĐB
Một khó khăn nữa được đại diện Agribank nêu ra là những khó khăn trong thực hiện quyền định giá khi xử lý tài sản. Có 2 trường hợp với định giá xảy ra khiến quá trình xử lý nợ xấu không như mong muốn là định giá quá cao để kéo dài thời gian xử lý tài sản (không ai mua), hoặc định giá quá thấp gây thiệt hại cho ngân hàng. Đại diện Agribank cho biết, quy định về định giá đang có nhiều kẽ hở.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16 năm 2014, trường hợp không thỏa thuận được giá bán tài sản thì bên đảm bảo có quyền chỉ định tổ chức định giá. Còn theo luật thi hành án, nếu bên thi hành án và bên có tài sản thi hành án không thỏa thuận được giá khởi điểm đấu giá thì cơ quan thi hành án chỉ định tổ chức định giá. Như vậy, ngân hàng gần như không có quyền gì về giá bán TSBĐ.
Cuối cùng, ngay cả khi đấu giá được tài sản, đến khâu chuyển nhượng tài sản cho bên mua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không thực hiện nếu không có sự hợp tác của bên bảo đảm ký hợp đồng chuyển nhượng. Thậm chí cả những trường hợp bên bảo đảm đã chết, không có di chúc về tài sản thì vẫn phải được người thừa kế ký hợp đồng chuyển nhượng?!
Phân tích về thực trạng và nguyên nhân của những khó khăn trong xử lý TSBĐ, bên cạnh nguyên nhân là hạn chế của hành lang pháp lý, sự thiếu phối hợp của các bên liên quan, các chuyên gia cũng đề cập đến cả nguyên nhân từ phía các TCTD. Đơn cử như một số TCTD chưa chấp hành đầy đủ các quy định về giao dịch bảo đảm như tính pháp lý của TSBĐ không đầy đủ, không công chứng hợp đồng thế chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm…
Từ những bất cập trên, các chuyên gia, nhà quản lý tham gia hội thảo đã đưa ra nhiều kiến nghị về việc hoàn thiện khung pháp lý về quyền xử lý TSBĐ của các TCTD cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý TSBĐ của cơ quan tư pháp các cấp. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc cần sớm có Nghị định hướng dẫn về xử lý TSBĐ theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, bổ sung hướng dẫn chi tiết về quyền của bên nhận bảo đảm đối với việc xử lý TSBĐ trong trường hợp bên bảo đảm chống đối, không hợp tác…
Theo luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, một số nguyên nhân từ phía các TCTD cũng khiến công tác xử lý TSĐB khó khăn, như công tác thẩm định giá TSBĐ chưa được quan tâm đúng mức, không thiếu trường hợp TSBĐ được định giá cao hơn giá thị trường hoặc TCTD không thể xác định giá. Chất lượng nhân sự của cán bộ làm công tác xử lý TSBĐ còn hạn chế, thiếu am hiểu pháp luật. Công tác quản lý TSBĐ chưa chặt chẽ. Nhiều trường hợp, đến khi khách hàng không trả được nợ, TCTD mới phát hiện TSBĐ đã bị mất hoặc đã bị thế chấp tại một TCTD khác. |
H.Y