Rà soát chính sách thương mại (TPR) là một hoạt động được quy định trong Phụ lục 3 về Cơ chế rà soát chính sách thương mại (TPRM) theo Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1995. Các mục tiêu của TPRM bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hệ thống thương mại đa biên bằng cách tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại của các thành viên.
Việc rà soát Chính sách thương mại do Cơ quan Rà soát chính sách thương mại (TPRB) thực hiện với sự tham gia của tất cả các thành viên và được báo cáo lên Đại hội đồng và Hội nghị Bộ trưởng WTO. Phụ lục yêu cầu 4 thành viên có tỷ trọng thương mại thế giới lớn nhất (hiện là Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) phải được rà soát hai năm một lần, 16 thành viên tiếp theo được rà soát sau mỗi bốn năm và các thành viên khác được rà soát sáu năm một lần.
Theo kết quả của việc sửa đổi Phụ lục 3 vào tháng 7/2017, các chu kỳ rà soát này sẽ lần lượt là ba, năm và bảy năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có chu kỳ rà soát bảy năm.
Phiên rà soát chính sách thương mại đầu tiên của Việt Nam đã được diễn ra vào năm 2013 tại trụ sở WTO ở Geneva. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, phiên rà soát lần thứ hai vào ngày 27/4 tới sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ban thư ký WTO thông báo việc rà soát chính sách thương mại bao gồm bốn tiêu đề lớn: (i) đánh giá tổng quan chung về chính sách thương mại và tình hình thực hiện của nước thành viên; (ii) các nội dung về nhu cầu kinh tế và phát triển rộng lớn hơn, bao gồm cả môi trường bên ngoài; (iii) tác động của các chính sách và thông lệ thương mại của nước thành viên đối với hoạt động của hệ thống thương mại đa phương; và (iv) các ý kiến nhận xét chung theo cách đánh giá.
Các cuộc họp sẽ được diễn ra trong hai phiên: Phiên đầu tiên được dành cho các phát biểu khai mạc của Việt Nam đang được rà soát và người thảo luận, cũng như các nhận xét và câu hỏi cơ bản. Cuộc thảo luận trong phiên thứ hai, Việt Nam sẽ trả lời các câu hỏi, dựa trên các chủ đề chính được Chủ tọa, người thảo luận và Ban Thư ký WTO xác định sau cuộc họp khai mạc với sự tham vấn của Việt Nam.