Cụ thể, trong tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 2.782 tỷ đồng, đã giải ngân được 363 tỷ đồng, đạt 13,1%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 433 tỷ đồng, đã giải ngân gần 72 tỷ đồng, đạt 16,6%; vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu, vốn nước ngoài ODA là 661 tỷ đồng, giải ngân được 236 tỷ đồng, đạt 35,68%.
Báo cáo của Sở Tài chính Thái Nguyên đánh giá, tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay còn chậm. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc, tỷ lệ giải ngân của Thái Nguyên vẫn cao hơn mức bình quân chung (toàn quốc là 13%).
Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn bị giải ngân chậm so với kế hoạch, Sở Tài chính Thái Nguyên cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và phương án giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng tạm dừng thi công; nhiều dự án chủ đầu tư chờ khi có đủ khối lượng và thủ tục đầu tư mới tiến hành giải ngân vốn.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa điều chỉnh được kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 (tăng, giảm kế hoạch vốn, cắt giảm, bổ sung thêm dự án mới) do thẩm quyền điều chỉnh thuộc HĐND tỉnh nên chưa thể giao kế hoạch vốn năm 2020…
Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh Thái Nguyên đang làm việc với các ngành, chủ đầu tư và các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, qua đó có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời giải ngân, thanh toán vốn đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.
V.T