Lấy uy tín làm đầu
Hoàn cảnh gia đình khó khăn,ốngcốnghiếnvagravechiasẻkq net 200 năm 2009, anh Lê Văn Thi (SN 1990) ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào Bình Phước lập nghiệp bằng nghề thợ mộc. Với vốn liếng quý nhất là sức khỏe, những kiến thức sơ đẳng của nghề thợ mộc và khát khao vươn lên thoát nghèo, anh đã tìm và xin vào làm việc tại một xưởng mộc ở Đồng Xoài. Sau hơn 1 năm vừa làm vừa học, anh Thi cho rằng, cần phải tiếp xúc với nhiều ông chủ để học cách kinh doanh, cọ xát với nhiều kỹ thuật chế tạo sản phẩm đồ gỗ đa dạng mới đúc rút được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Vì vậy, mỗi năm anh xin làm việc ở một xưởng mộc. Với sự nhanh nhẹn, tháo vát của người trẻ, anh Thi vừa làm công vừa xin ông chủ cho nhận làm khoán những sản phẩm khách đặt nhằm từng bước sản xuất độc lập. Sau hơn 8 năm thực hiện mơ ước, năm 2017, anh Thi chính thức mở một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ lấy tên Trung Tín tại phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài.
Xưởng mộc Trung Tín của anh Lê Văn Thi, TP. Đồng Xoài với máy móc hiện đại, giải quyết việc làm cho nhiều lao động
Anh Thi cho biết: “Để thu hút khách hàng, tôi phải thực hiện phương châm lấy uy tín, chất lượng sản phẩm làm đầu, lấy sự hài lòng của khách làm mục tiêu sản xuất. Để thực hiện được điều này, một mặt tôi không ngừng sáng tạo thêm nhiều mẫu sản phẩm khác nhau, tạo sự đa dạng về hình dáng, kiểu mẫu, mặt khác, tuyển thợ lành nghề và đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất”. Hiện mỗi năm anh Thi có thu nhập trên 300 triệu đồng, 7 người thợ làm việc tại đây chủ yếu là thanh niên cũng có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/người/tháng.
Mong được chia sẻ để có nhiều nhà kinh doanh giỏi
Với khát khao được kinh doanh tự chủ, độc lập bằng khả năng của mình, chị Ngô Thị Như Bình (SN 1996) ở phường Tân Bình đã sớm là một tiểu thương có tiếng tại chợ Đồng Xoài về kinh doanh các loại trứng gia cầm. Mỗi ngày chị Bình nhập khoảng 150 ngàn trứng gà, vịt từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An… sau đó xuất bán sỉ và lẻ khắp nơi trong tỉnh, với thu nhập mỗi năm trên 3 tỷ đồng. Chị còn tạo điều kiện cho các tiểu thương buôn bán nhỏ, kẹt vốn bằng cách cho nợ gối đầu hoặc bằng những hình thức khác; tạo việc làm thường xuyên cho 6 đoàn viên, thanh niên phường Tân Bình với các công việc như lái xe, bốc xếp, phân phối trứng. Chị Bình chia sẻ: “Sau thời gian kinh doanh, tôi cảm thấy đam mê và yêu công việc này vì nó mang lại nguồn thu nhập ổn định. Một số bạn trẻ cũng muốn tham gia làm việc và học hỏi kinh nghiệm, bản thân tôi sẵn sàng chia sẻ để sau này các bạn ấy sẽ trở thành những nhà kinh doanh giỏi”.
Cán bộ Thành đoàn Đồng Xoài, Đoàn phường Tân Bình thăm mô hình kinh doanh trứng gia cầm của chị Ngô Thị Như Bình (bìa phải)
Anh Bùi Xuân Linh, Bí thư Thành đoàn Đồng Xoài cho biết: Trong quá trình khởi nghiệp, không phải bạn trẻ nào cũng có điều kiện thuận lợi mà rất nhiều bạn gặp khó khăn. Nhiều bạn có ý tưởng, kiến thức, phương án sản xuất nhưng không có vốn hoặc thiếu cộng sự, đối tác nên không biến ý tưởng thành hiện thực được. Hoặc có trường hợp đang thực hiện dự án thì gặp những rủi ro không mong muốn nên thua lỗ, dự án bị phá sản. Vừa qua, do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều hàng hóa được tạo ra nhưng không bán được, một số mặt hàng bị tồn đọng, hư hỏng gây thất thoát tài chính. Tuy nhiên, với tinh thần không lùi bước, khát khao để đạt được mục tiêu, mục đích của mình, nhiều bạn đã cố gắng vượt qua khó khăn và đến nay đã phát triển tốt.
Để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, thời gian tới, Thành đoàn Đồng Xoài sẽ ưu tiên chọn các mô hình khả thi, vừa tư vấn hướng đi, cách làm bền vững vừa xem xét hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để tiếp thêm sức mạnh, giúp các bạn khởi nghiệp thành công. Mỗi bạn trẻ sẽ có khát vọng và cách làm giàu khác nhau. Không những làm giàu cho bản thân, gia đình, xã hội mà họ còn tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm gương để những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám sống cống hiến và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. |
Anh Bùi Xuân Linh, Bí thư Thành đoàn Đồng Xoài |