Theo Bộ NN&PTNT, năm 2018, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi tăng trưởng cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại quyết liệt hơn, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn.
Trong bối cảnh đó, trong năm 2018, toàn ngành đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8 - 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37 - 38 tỷ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới và tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cụ thể, các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương sẽ rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm của ngành, lĩnh vực và địa phương theo 3 trục sản phẩm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản thông qua tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, giải quyết rào cản, đồng thời tổ chức nghiên cứu sâu các thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam để hiểu và nắm rõ thị hiếu, chuỗi cung ứng hoặc “đường đi của nông sản Việt Nam” nhằm cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp, người sản xuất và có giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu…
Về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tổ chức sản xuất theo hướng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, GMP, HACCP, ISO 22000...); tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh phát triển sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu…
Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tập trung ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách bảo hiểm nông nghiệp...