Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn chủ trì hội thảo. Ảnh: T.H |
Hơn 300 doanh nghiệp tham dự Hội thảo chuyên đề lấy ý kiến về nội dung quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu (SXXK), doanh nghiệp chế xuất do Tổng cục Hải quan tổ chức tại TPHCM chiều ngày 22/11.
Đánh giá cao hoạt động của doanh nghiệp liên qian đến loại hình gia công, SXXK, doanh nghiệp chế xuất, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, theo số liệu thống kê, hoạt động gia công, SXXK, doanh nghiệp chế xuất chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch XNK của cả nước, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Qua đó cho thấy, nhóm doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này đóng vai trò rất lớn trong hoạt động của nền kinh tế. Qua hội thảo này, rất mong các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ, đóng góp các nội dung thiết thực cho dự thảo để khi đưa vào thực hiện vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các quy định hiện hành liên quan đến các loại hình trên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số điểm tồn tại, không còn phù hợp với thực tế công tác quản lý hiện nay hoặc chưa phù hợp với các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, Ban soạn thảo (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đặc biệt, để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, căn cứ bản chất giao dịch của hàng hoá, Ban soạn thảo đề xuất bãi bỏ Điều 35 tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Thực tế chỉ bãi bỏ điểm c, khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Tại hội thảo, sau khi giới thiệu cho các doanh nghiệp những nội dung chính sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ; dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC liên quan đến quản lý hàng gia công, SXXK, doanh nghiệp chế xuất, bà Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng Giám quản 2, Cục Giám sát quản lý về hải quan- Tổng cục Hải quan cho biết, các dự thảo này đã được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp.
Trong phần thảo luận, trước các ý kiến góp ý của doanh nghiệp liên quan đến nội dung bãi bỏ Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn đã giải thích rất cụ thể để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn.
Doanh nghiệp góp ý tại hội thảo |
Theo Phó Tổng cục trưởng, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ 2 lần vào năm 2021 và năm 2022. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, do còn ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp về cơ sở pháp lý liên quan nội dung quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về XNK tại chỗ nên dự thảo Nghị định chưa được phê duyệt.
Qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy, chỉ có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công cho thương nhân nước ngoài được thực hiện một số hoạt động XNK tại chỗ như: xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu.
Luật Hải quan năm 2001 và các luật khác không quy định về hình thức XNK tại chỗ đối với hoạt động mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài nhưng được chỉ định giao nhận hàng hoá tại Việt Nam.
Tuy nhiên, căn cứ các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) nêu trên thì hoạt động XNK tại chỗ đã được thực hiện từ năm 1998 đến nay, các văn bản về sau đều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hoá.
Từ trước đến nay, hoạt động XNK tại chỗ đã được quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP; pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định hình thức XNK tại chỗ thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, nội hàm hoạt XNK tại chỗ có sự chưa thống nhất giữa hệ thống pháp luật về thương mại, ngoại thương với hệ thống pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đối với hoạt động XNK tại chỗ, hàng hoá được mua bán trong nội địa, không có sự dịch chuyển hàng hoá ra khỏi biên giới Việt Nam, bản chất đây là hoạt động mua bán nội địa. Đối tượng quản lý của cơ quan Hải quan chỉ có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan Hải quan không thực hiện thủ tục hải quan quan đối với hoạt động này, chuyển thành hoạt động mua bán nội địa do cơ thuế nội địa quản lý.
“Do vậy, cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động XNK tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất của hoạt động giao dịch này”- Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng ghi nhận ý kiến góp ý của doanh nghiệp, nếu cần thiết sẽ tham mưu tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi kỹ về nội dung này.
Ngoài nội dung nêu trên, tại Hội thảo nhiều doanh nghiệp đã tham gia góp ý chi tiết vào các điều khoản cụ thể liên quan đến loại hình gia công, SXXK...
Phó Tổng cục trưởng Âu Anh Tuấn cho rằng, các nội dung đóng góp của doanh nghiệp sẽ được Tổng cục Hải quan tiếp thu, giải trình, tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định để trình Chính phủ ký ban hành sớm nhất vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.