Khi xây dựng báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) cần xử lý tình trạng các nhóm đơn vị báo cáo khác nhau của khu vực công đang áp dụng các chế độ kế toán khác nhau, nhằm đảm bảo sự thống nhất cần thiết để hợp nhất thông tin tài chính của các đơn vị này.
Tồn tại nhiều chế độ kế toán khác nhau
Theo dự thảo quy định về BCTCNN đang được Bộ Tài chính xây dựng, dự kiến bắt đầu từ 2018, Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phố phải công khai BCTCNN lên mạng để người dân được biết và thực hiện giám sát. Khi được xây dựng xong, BCTCNN hợp nhất sẽ lần đầu tiên cung cấp một bức tranh toàn diện về hoạt động và tình hình tài chính của tất cả các đơn vị trong khu vực công ở Việt Nam. Một bức tranh đầy đủ về toàn bộ hoạt động của khu vực công và sức khoẻ nền tài chính công, như vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích, giúp cải thiện công tác quản lý tài sản vật chất và tài sản tài chính và công nợ của Chính phủ.
Trước nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nước cho rằng, chủ trương minh bạch BCTCNN được nêu trong dự thảo là rất khó khả thi, ông Sebastian cho biết, để ra được BCTCNN hợp nhất đòi hỏi phải có rất nhiều hoạt động chuẩn bị và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên khác nhau trong khu vực công. Hiện nay các đơn vị trong khu vực công đang áp dụng nhiều chế độ kế toán khác nhau. Các đơn vị này cần phải triển khai những thay đổi về chuẩn mực và thông lệ kế toán.
Theo ông Sebastian, chỉ khi tất cả các đơn vị đều báo cáo trên cùng một cơ sở kế toán thống nhất thì mới có thể hợp nhất thông tin tài chính của các đơn vị thành thông tin tài chính của khu vực công. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành phải bắt đầu tính toán và báo cáo về khấu hao tài sản phi tài chính. Trong bối cảnh đó, điều cần thiết là phải đảm bảo các đơn vị cùng tuân thủ một bộ chuẩn mực kế toán thống nhất và tiên tiến. Để làm được điều này, cần ban hành bộ chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS) tuân thủ với các chuẩn mực quốc tế (IPSAS).
Việc xây dựng BCTCNN cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo hợp nhất được thông tin tài chính và loại trừ sự trùng lắp trong việc báo cáo các giao dịch giữa các đơn vị khác nhau cùng trong khu vực công. WB đang hợp tác với Bộ Kinh tế Nhà nước Thụy Sỹ và Bộ Ngoại giao Canada cung cấp hỗ trợ cho Bộ Tài chính và các bên liên quan về kinh nghiệm quốc tế và tư vấn kỹ thuật cụ thể cho việc thực hiện tốt mục tiêu cải cách này.
Cải thiện việc tổng hợp, chia sẻ và cung cấp thông tin tài chính
Theo ông Sebastian, điều quan trọng cần lưu ý là việc lập BCTCNN chỉ là một phần của chương trình cải cách chung nhằm cải thiện về minh bạch tài khóa. Có nhiều biện pháp có thể được thực hiện ngay trong thời gian tới mà không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng và tính hữu dụng của báo cáo tài chính - ngân sách của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, có thể đổi mới hệ thống phân loại, trình bày và báo cáo ngân sách theo hướng thống nhất, nhất quán các chỉ tiêu giữa các khâu dự toán, thực hiện và quyết toán cũng như giữa chi đầu tư và chi thường xuyên theo các lĩnh vực. Qua đó, làm căn cứ cho các biện pháp tăng cường kỷ cương ngân sách, hỗ trợ phân tích hiệu quả và hiệu suất chi tiêu.
Hoặc có thể cải thiện việc tổng hợp, chia sẻ và cung cấp thông tin tài chính kịp thời và chính xác cho nhiều đối tượng mong muốn sử dụng dữ liệu, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành trong Chính phủ, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Điều này hoàn toàn khả thi nhờ vào năng lực mạnh của Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và kho dữ liệu thu – chi ngân sách quốc gia.
Đồng thời, trình bày bổ sung một số thông tin tài khóa lựa chọn theo chuẩn thống kê tài chính chính phủ quốc tế (GFS) – qua đó hình thành nên cơ sở hài hòa và có hệ thống để Chính phủ và các bên liên quan (ví dụ các tổ chức quốc tế, các tổ chức định mức tín nhiệm, các nhóm nghiên cứu và tham mưu chính sách) báo cáo và phân tích về tài chính chính phủ sát theo thông lệ quốc tế, đồng thời hỗ trợ so sánh trên quốc tế. "Tất cả các biện pháp nêu trên sẽ giúp nâng cao lòng tin của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng quốc tế về một chính phủ hiện đại đúng với vị thế của một quốc gia thu nhập trung bình cao mà Việt Nam đang vươn tới"- ông Sebastian nhấn mạnh.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy do tính chất phức tạp và quy mô của những cải cách liên quan, việc xây dựng hệ thống quy định về BCTCNN hợp nhất thường phải mất nhiều năm (ví dụ, mất trên 10 năm tại Anh, Australia và New Zealand). Vì vậy, chúng tôi cho rằng mục tiêu xây dựng BCTCNN hợp nhất cho Việt Nam bắt đầu cho năm tài chính 2018 (tức là có báo cáo hợp nhất đầu tiên vào khoảng giữa 2019) là rất tham vọng". Ông Sebastian Eckhardt - Chuyên gia kinh tế trưởng WB. |
Thảo Miên