Ngày 19/12,ưunhânvậtVietNamNettruyềncảmhứkqbd u21 chau au Báo VietNamNet tổ chức Lễ trao giải Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng năm 2022. Đây là năm thứ 3 báo VietNamNet tổ chức Giải thưởng này nhằm vinh danh những hành động, dự án của các cá nhân, tổ chức có sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.
Ba cá nhân được độc giả bình chọn cao nhất năm nay gồm: anh Thái Ngô Hiếu - lính cứu hỏa dũng cảm lao xuống biển cứu 4 người đuối nước; anh Hồ Hoàng Liêm - thanh niên hơn 12 năm miệt mài mang ánh điện, rạp chiếu phim đến trẻ em miền núi; anh Lê Quang Hiếu, một trong ba người sáng lập Cộng đồng Điện toán đám mây OpenStack Việt Nam, được OpenStack thế giới Foundation lựa chọn trở thành đại diện ở Việt Nam và là chủ nhiệm giải pháp điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam vCloud.
Sau lễ trao giải, 3 nhân vật truyền cảm hứng 2022 đã có buổi giao lưu tại trường quay VietNamNet. Mời quý độc giả xem video:
Người lính cứu hỏa dũng cảm
Với hơn 10 năm công tác trong ngành cứu hỏa, Đại úy Thái Ngô Hiếu (SN 1989, cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực Trảng Bom, Công an tỉnh Đồng Nai) đã tham gia hàng chục vụ cứu nạn cứu hộ nguy hiểm, phức tạp ở địa bàn 3 huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu.
Đặc biệt, ngày 10/4, tại bãi biển Bà Rịa - Vũng Tàu, khi thấy 4 người chới với dưới biển, Đại úy Hiếu không màng hiểm nguy, vội nhảy xuống ứng cứu. Hành động dũng cảm của người lính cứu hỏa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng thưởng Huân chương Dũng cảm; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an thăng hàm vượt cấp.
Tại buổi giao lưu nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng, anh Thái Ngô Hiếu đã có những chia sẻ xúc động về công việc của mình.
MC Thùy Chi: Là nhân vật truyền cảm hứng có số bình chọn cao nhất, anh có cảm thấy bất ngờ không?
Đại úy Thái Ngô Hiếu:Tôi bất ngờ khi có số bình chọn cao như vậy, xin cảm ơn quý độc giả đã bầu chọn cho tôi.
Năm 2012, anh tình nguyện viết đơn vào lực lượng công an nhân dân, điều gì thôi thúc anh làm việc này?
Từ nhỏ tôi đam mê, yêu mến ngành công an nhân dân. Sau đó, lực lượng cảnh sát PCCC có thêm lĩnh vực cứu nạn cứu hộ. Tôi thấy mình có khả năng bơi lội, leo khi không sợ độ cao nên tôi tình nguyện tham gia lực lượng này.
Sau thời gian công tác, được học hỏi, tham gia thực tế các vụ cứu nạn cứu hộ nguy hiểm nên tôi có cơ hội nâng cao bản lĩnh. Vì vậy khi gặp sự cố, tôi có thể xử lý được.
Được đánh giá là một trong những công việc nguy hiểm nhất, năm 2022 cũng là năm chứng kiến nhiều sự mất mát của ngành cứu hỏa nói riêng và công an nói chung, không biết rằng khi làm công việc này có bao giờ anh cảm thấy lo sợ hay cảm thấy nguy hiểm cận kề không?
Tôi từng đối mặt nhiều lần nguy hiểm, đối mặt giữa sự sống và cái chết, tôi càng yêu nghề và rút nhiều kinh nghiệm hơn cho bản thân.
Tôi tập luyện bù lại những thiếu sót để lần công tác sau có thể làm tốt hơn, giảm khó khăn, rủi ro cho bản thân cũng như đồng đội.
Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm ấn tượng nhất?
Tôi tham gia nhiều vụ cứu nạn cứu hộ dưới nước cũng như trên cao. Ví dụ cứu các nạn nhân ngáo đá. Bình thường tham gia giải cứu những trường hợp như vậy tâm lý chúng ta thường bức xúc vì người ta nghiện, dùng ma túy không tốt, nhưng tôi phải cứu họ. Con người bao giờ cũng có những thời điểm sai trái, chúng tôi quyết tâm cứu họ về với gia đình.
Nguy hiểm nhất là lần tôi giải cứu xe tải dưới sông khoảng 40m. Ở trên bờ, gầm xe tải đã thấp, xuống sông gầm càng thấp, khoảng hở chui vào rất nhỏ.
Tôi tháo bình đang đeo trên lưng để ôm trước ngực và chui xuống. Lúc này, nước sông chảy, xe có thể lún xuống tiếp khiến tôi không thể ra ngoài.
Dù biết nguy hiểm nhưng nếu không xuống, tôi sẽ không móc được cáp để kéo xe lên nên tôi buộc phải xuống.
Điều gì thôi thúc anh tiến lên, không bỏ cuộc ở thời điểm đó?
Người dân có xe trôi dưới sông rất hoang mang. Đó là tài sản lớn với họ, phải tích góp một cách khó khăn. Chúng tôi không cứu, họ gọi ai bây giờ? Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ biết cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
Khi anh tham gia công tác, cảm xúc gia đình như thế nào, đó là sự ủng hộ hay lo lắng?
Trước mỗi lần tôi đi làm nhiệm vụ, gia đình luôn khuyên tôi cẩn thận, giữ gìn cho bản thân. Biết chồng/con làm công việc nguy hiểm, như một thói quen gia đình cũng dần hiểu và không còn sợ hãi.
Vụ cứu người ở bãi biển Vũng Tàu, lúc đó có nhiều bạn bè, vợ tôi cũng có mặt.
Tôi bơi ra lần 1 sau đó tiếp tục bơi lần 2. Lúc này, mọi người sợ tôi đuối nước và khuyên không nên ra nữa.
Vợ tôi ở trên bờ hét lên, nhắc tôi ở ngoài kia còn người. Vợ tôi làm điều đó như một phản xạ bởi đã quen công việc của chồng. Nhiều đêm không phải ca trực của tôi nhưng những vụ nguy hiểm ở sông, hồ đơn vị gọi tôi hỗ trợ, vợ tôi cũng đã quen.
Điều ý nghĩa nhất anh nhận lại khi tham gia công việc này là gì?
Dù có những trường hợp chúng tôi cứu được người nhưng có trường hợp không thể cứu. Chúng tôi chỉ đưa thi thể nạn nhân nhưng cũng thôi thúc chúng tôi nhanh chóng đưa thi thể họ về với gia đình, để họ không lạnh lẽo nơi sông suối.
Tôi và đồng đội luôn suy nghĩ mình đang làm việc ý nghĩa nên chúng tôi luôn cố gắng.
Anh có nhận được sự cổ vũ của cộng đồng?
Trước đây, tôi làm cứu hộ, cứu nạn nhiều năm nhưng ít người biết tới. Sau vụ cứu người ở Vũng Tàu nhiều người biết đến và viết. Họ tìm hiểu thì biết tôi từng tham gia nhiều vụ. Nhiều người nhắn tin động viên rằng không chỉ vụ việc này, họ biết tôi từ trước đến nay nhiều lần tham gia nhiều vụ nguy hiểm… Đó là những nhận xét khiến tôi xúc động. Họ đã đặt niềm tin như vậy, tôi càng cố gắng.
Làm công việc gian khổ, anh nhắn gì cho thế hệ trẻ?
Những bạn trẻ nếu có đam mê, yêu nghề chắc chắn thành công sẽ đến với bạn. Bạn đừng nhìn vất vả trước mắt để rồi từ bỏ. Mình giúp người, họ có thể không quay lại giúp mình nhưng chắc chắn sẽ có người khác giúp mình.
Điều gì anh mong muốn thực hiện được nhất năm 2023?
Tôi là người lính chữa cháy, mong muốn của tôi liên quan đến đặc điểm công việc. Như mọi người đã biết, thời gian gần đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ cháy, nổ, nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nhiều về người.
Tôi mong muốn hộ kinh doanh, công ty, doanh nghiệp và người dân Việt Nam nâng cao tinh thần phòng cháy hơn chữa cháy. Phòng cháy tốt sẽ giảm được thiệt hại.
Người dân còn chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy. Nhiều gia đình nghĩ: “Nhà có gì đâu mà sợ cháy”, không ít công ty đầu tư về quảng cáo, đầu tư máy móc thiết bị… nhưng đầu tư về PCCC lại rất hạn chế. Tôi mong mỗi người dân trong nhà đầu tư một bình chữa cháy.
Bên cạnh đó, tình trạng đuối nước của trẻ em Việt Nam đang cao nhất so với Đông Nam Á, tôi mong tất cả các gia đình tạo điều kiện cho con em đi học bơi. Đây là kỹ năng sống vô cùng quan trọng.
Tôi từng đọc bài báo về 2 người yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cản vì vậy họ rủ nhau ra sông tự tử. Tuy nhiên lúc nhảy, bản năng sống trỗi dậy, người thanh niên biết bơi nên đã sống, còn cô gái không may mắn như vậy.
Chúng ta cứ cho con học bơi sau này rơi vào tình huống khó khăn sẽ có thể thoát nguy hiểm.
Người thầy, người thân của những trẻ em vùng núi
Anh Hồ Hoàng Liêm (33 tuổi, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là chủ nhiệm nhóm Nụ Cười Hồng. Hơn 12 năm qua, anh cùng các thành viên trong nhóm miệt mài “cõng” điện, rạp chiếu phim lên bản cho học sinh vùng núi; tổ chức các chương trình áo ấm mùa đông mỗi đợt gần 10.000 áo cho trẻ vùng núi; giúp bà con vùng bão lũ; tổ chức phiên chợ 0 đồng; phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch…
Trong phần giao lưu với các khách mời là 3 nhân vật truyền cảm hứng năm 2022, anh Liêm hi vọng năm 2023 sẽ mang thêm nhiều nụ cười đến với trẻ vùng cao .
MC Thùy Chi: Anh Liêm đã có 12 năm miệt mài mang nụ cười đến với trẻ vùng cao. Nếu đúc kết hành trình đó trong 3 từ, anh sẽ chọn 3 từ nào?
Anh Hồ Hoàng Liêm: Hạnh phúc, vui vẻ và bình an.
Anh có thể lý giải một chút không?
Xuất phát điểm của tôi cũng y chang những em bé vùng cao khác, cũng từng xếp hàng đi nhận đồ từ thiện. Cho tới ngày hôm nay, sau những việc tôi làm được, điều tôi nhận được là sự hạnh phúc. Con cái của tôi hôm nay đã có điều kiện tốt hơn rất nhiều bạn nhỏ trên núi khác.
Vui vẻ ở đây là ban đầu làm thì khó, nhưng càng làm thấy càng vui, các con vui, mọi người vui, mình cũng vui.
Còn bình an là những thứ tôi làm sẽ không mất đi. Nó sẽ quay về với mình bằng một hình thức gì đó như sự an yên cho gia đình. Những nơi tôi đi tới có chất độc da cam, có khó khăn nhưng tôi vẫn sinh ra 2 đứa con đẹp trai, khỏe mạnh. Như vậy là may mắn, bình an rồi.
Lựa chọn một công việc vốn không phải trách nhiệm của bản thân. Điều gì khiến anh miệt mài như vậy suốt 12 năm?
Ban đầu tôi chỉ làm vui thôi nhưng sau đó, tôi thấy bản thân có được cái duyên. Khi tôi muốn làm gì đó, kêu gọi ai đó đều được hỗ trợ. May mắn hơn là các anh em trong Nụ Cười Hồng đều có sức khỏe tốt, không ngại gian khó. Bên cạnh đó, tôi cũng được cả gia đình hậu thuận tốt nên cứ làm thôi.
Thông thường, mọi người thường mang đến cho trẻ vùng cao bánh kẹo, quần áo, đồ chơi, riêng anh, anh chọn mang đến cho các bạn nhỏ chiếc rạp chiếu phim, lý do vì sao anh lại chọn rạp chiếu phim?
Sau khi lên núi nhiều năm, tôi biết điện là cái tất yếu, khi có điện chúng ta sẽ có tất cả, còn bây giờ, văn minh của người vùng cao đang ở xa quá.
Khi tôi hỏi có biết biển không, các con chỉ hình dung được cái hồ, cái suối. Mình thấy rằng, biết đâu nếu có rạp chiếu phim, các con có thể có thêm mục đích tới trường, một mong muốn để vươn xa hơn.
Rạp chiếu phim tôi mang tới là công cụ trợ giảng cho thầy cô, những bài học hay trên youtube, soạn giáo án. Ngoài ra tôi muốn chiếu hình ảnh bên ngoài, để nhấn mạnh với các con là, đây là hình ảnh bên ngoài. Còn thế giới các con đang ngồi là rất sâu trong đáy giếng thôi. Các con muốn ra ngoài, muốn phát triển thì các con đi học đi. Từ hôm đó, các con siêng tới trường hơn và sướng hơn.
Trong suốt hành trình 12 năm có câu chuyện hay kỷ niệm nào khiến anh nhớ mãi không?
Mấy anh em phải đi bộ qua 4 ngọn núi và phải bưng vác rất nặng. Bản thân tôi là trưởng nhóm, bị nock out ngay núi đầu tiên, ói không còn gì vì mệt và không khí rất loãng.
Hôm đó, phải hơn chục người, chia ra mỗi người hai chục kg để cõng. Xui là có 5 bạn bị mệt nên trọng lượng đó được chia đều cho mọi người. Nhưng sau 3 ngày, khi lắp bộ điện mặt trời đầu tiên trên trường đó và bật tivi lên thì mình cứ ngỡ chỉ học trò nhưng thực tế có cả già làng, người trẻ, ai cũng cười nhưng nước mắt lại chảy ra. Vì đó là lần đầu tiên, người ta được biết thế giới bên ngoài là như thế nào, những tòa nhà chọc trời đẹp ra sao... Con nít thì hăng say, hồn nhiên nhưng người lớn thì đều khóc.
Bắt đầu từ hôm nay, họ đã có thể nhìn ra thế giới bên ngoài nhiều hơn.
Sau mỗi hành trình như vậy, điều gì khiến anh cảm thấy có giá trị để mình dựa vào đó, tiếp tục cố gắng trên hành trình này.
Cũng như mang điện, mang nước, mang rạp chiếu phim thì một bộ điện, một bộ rạp chạy được 8-10 năm, biết bao nhiêu thế hệ trẻ, các cô chú, anh chị, già làng được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, họ sẽ được mở mang kiến thức hơn.
Trước mắt bây giờ, các con đã siêng tới trường hơn, tiếp cận nhiều thứ hơn. Trong tương lai, hy vọng 1, hoặc 2 đứa trẻ từng ngồi trong rạp đó sẽ có cơ hội xuống núi, có cơ hội bay cao, bay xa hơn, đem lại cái gì đó cho quê hương của mình.
Anh đã mang rất nhiều nụ cười, hi vọng không chỉ cho trẻ em vùng cao, mà còn cho các thầy cô và người lớn nữa, không biết khi trao đi những thứ đó, điều quý giá nhất anh nhận về là gì?
Đó là niềm hạnh phúc vì sau lưng tôi có nhiều cô chú, anh chị, mạnh thường quân đã cùng làm với mình. Hạnh phúc lắm khi các con thấy mình, coi mình như thần tượng. Có những nơi tôii tới, các con rất thích thú.
Mình đem những cái mới mẻ đến với người ta nên người ra rất thích. Đôi khi bữa cơm của họ của là mèn mén (bột ngô) nhưng họ lại có thể mời mình con gà mà người ta đang nuôi hay những bữa cơm trắng, cơm đỏ bình thường chỉ dành cho dịp lễ quan trọng… để thể hiện sự biết ơn, cảm ơn. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Giữa trách nhiệm của một người chủ nhiệm câu lạc bộ thiện nguyện, anh sắp xếp cuộc sống gia đình như thế nào? Gia đình có cổ vũ anh như thế nào để anh vững vàng trên con đường mình đã chọn?
Ban đầu cuộc sống gia đình bị xáo trộn nhiều lắm. Tôi thích quá, yêu quá nhưng vẫn phải sắp xếp thời gian. Có thời gian đi núi nhiều quá, về con thấy cũng lơ luôn.
Tôi cũng không dám kể hết những khó khăn, nguy hiểm trên đường. Kể nhiều quá gia đình cũng lo. Rồi sau đó, ba mẹ, vợ con đều ủng hộ. Khi mình bước chân ra đường, ba mẹ, vợ con chỉ dặn đi đường cẩn thận, không dám nói nhiều. Sợ nói nhiều tôi lo nên mọi thứ rất suôn sẻ. Nhưng có một điều may mắn là cả gia đình đều rất ủng hộ nên yên tâm làm.
Anh dự định sẽ đi tiếp trên con đường này trong bao lâu nữa?
Trước đây, tôi tâm nguyện sẽ làm 10 năm. Giờ đã là năm 12 chuẩn bị thứ 13 rồi. Trước khi ngồi đây, tôi mới thực hiện một chương trình áo ấm đến biên giới Việt Trung. Hy vọng chúng tôi sẽ khỏe mạnh hơn để có thể đem tới nhiều giấc mơ hơn cho trẻ vùng cao.
Chàng IT hiện thực hóa ước mơ ghi tên Việt Nam vào bản đồ công nghệ thế giới
Lê Quang Hiếu là một trong ba người sáng lập Cộng đồng Điện toán đám mây OpenStack Việt Nam, được OpenStack thế giới Foundation lựa chọn trở thành đại diện ở Việt Nam và là chủ nhiệm giải pháp điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam vCloud.
Sau thời gian làm việc cho Fujitsu Việt Nam, Hiếu không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy trên bản đồ điện toán đám mây thế giới vắng bóng Việt Nam. Điều này đã thôi thúc anh phải làm gì đó để điện toán đám mây của Việt Nam có tên tuổi trên bản đồ thế giới. Vì vậy, năm 2018, Hiếu trở về Viettel để góp sức xây dựng tập đoàn ngày càng lớn mạnh. Anh là người đi đầu trong việc đưa điện toán đám mây trở thành trào lưu công nghệ thành công tại Việt Nam.
Trong phần giao lưu tại trường quay VietNamNet, Lê Quang Hiếu chia sẻ cảm giác bất ngờ khi thấy tên mình trong danh sách đề cử và được bình chọn là 1 trong 3 nhân vật truyền cảm hứng năm 2022 của Báo VietNamNet. Với anh, điều đó chứng tỏ có rất nhiều người quan tâm tới nền công nghệ của Việt Nam.
MC Thùy Chi:Đang làm việc ở môi trường lý tưởng, anh lại quyết định về nước. Như anh nói, đó là vì lòng tự tôn dân tộc. Anh có thể chia sẻ thêm về lựa chọn này của mình?
Anh Lê Quang Hiếu:Quyết định quay về nước để bắt đầu dự án điện toán đám mây đối với tôi là một hành trình dài.
Năm 2016, tôi làm cho công ty Fujitsu của Nhật tại Việt Nam. Tại đây, tôi có cơ hội được ra nước ngoài, được tiếp xúc với chân trời tri thức mới. Tôi cũng được gặp gỡ trực tiếp với những tác giả của những phần mềm mà mình nghiên cứu thay vì phải tìm hiểu qua mạng như trước.
Sau đó hơn một năm, tôi bắt đầu có thành tích và được mời đến các hội nghị quốc tế. Với những sáng tạo và đóng góp của mình, tôi được tham dự hội nghị quốc tế, nơi tôn vinh những công nghệ mới trên thế giới tại Đức (năm 2017) và lần thứ 2 tại Mỹ (năm 2018). Tại hội nghị, tấm bản đồ thế giới ghi nhận những quốc gia đóng góp nhiều về công nghệ điện toán đám mây sẽ được trưng bày và sáng lên.
Khi đó tôi thấy rằng sản phẩm về sàn chứng khoán mà mình làm trưởng nhóm lại được cắm cờ của Nhật. Việt Nam nơi mình sinh ra không thấy ánh sáng trên bản đồ này, cá nhân tôi và nhóm bạn cũng không có tên trong danh sách được vinh danh.
Cảm thấy hơi hụt hẫng nên một thời gian sau, tôi quyết định xin nghỉ việc và quay về làm cho doanh nghiệp Việt Nam. Tôi mong muốn Việt Nam được thắp sáng trên bản đồ công nghệ thế giới.
Trong quá trình theo đuổi đam mê về điện toán đám mây, khó khăn lớn nhất anh gặp phải là gì?
Khi mới bắt tay vào công việc, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là không ai tin vào mục tiêu của mình. Nhiều người đặt câu hỏi, nghi ngờ tại sao tôi đang làm việc tốt ở công ty nước ngoài lại chuyển sang làm một lĩnh vực hết sức mới mẻ như vậy? Nên việc tìm được người sẵn sàng đầu tư cho dự án của tôi không hề đơn giản.
Khi đó tôi nhận ra, việc quan trọng là bản thân phải khẳng định được khả năng của mình, phải chắc chắn là mình sẽ làm được thì mới tìm được người sẵn sàng đầu tư.
May mắn thay các lãnh đạo ở Viettel đã trao cho tôi cơ hội khẳng định bản thân. Tôi bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây cho Viettel.
Năm 2021, bản đồ Việt Nam lần đầu tiên được thắp sáng trên bản đồ công nghệ thế giới tại sự kiện Openinfra ở Berlin (Đức). Với cá nhân anh, đây là một thành công có ý nghĩa như thế nào?
Ước mơ của tôi đã được toại nguyện.
Tháng 8/2022, tổ chức điện toán đám mây trên thế giới bay về Việt Nam và chứng nhận Viettel cũng như Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ thế giới.
Khi nhìn thấy điểm sáng của Việt Nam hiện trên bản đồ, tôi thấy rất nhẹ nhõm, giống như cởi bỏ được ấm ức trong lòng nhiều năm. Tôi và các anh em cùng đam mê đã có quãng thời gian nghiên cứu vất vả. Được ghi nhận, tôi thấy rất vui. Điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam không hề kém cạnh so với các nước. Dù Việt Nam nhỏ nhưng có thể làm được những thứ tương đương các nước lớn trên thế giới.
Sự hiện diện của anh ngày hôm nay ở đây đã cho thấy cộng đồng đã bắt đầu dành sự quan tâm lớn cho vấn đề công nghệ và phát triển công nghệ số. Anh có nghĩ rằng những sản phẩm Made in Vietnam sẽ có cơ hội cạnh tranh với những sản phẩm quốc tế hay không?
Tôi cho rằng, người Việt Nam phải làm chủ được công nghệ lõi thì mới có thể xây dựng được các sản phẩm tốt hơn. Sản phẩm công nghệ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với công nghệ thế giới. Đối với các bạn trẻ yêu công nghệ, tôi sẵn sàng chia sẻ đam mê, cùng tham gia cộng đồng để có thể san sẻ những kiến thức giúp cho nền công nghệ Việt Nam ngày một lớn mạnh.
Tôi hi vọng, sang năm 2023, công nghệ Việt Nam sẽ có những sản phẩm thành hình rõ nét, cụ thể hóa, có thể chứng minh được sức mạnh của kỹ sư Việt Nam. Tôi mong muốn công nghệ Việt Nam ngày càng phát triển và có những bước tiến xa hơn nữa.
VietNamNet