Báo cáo do ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng giá điện và phí, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) trình bày cho thấy, năm 2014, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 128,63 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất trên hệ thống là 8,49%, thấp hơn 0,9% so với chỉ tiêu 9,39% quy định.
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 198.003,52 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 là 1.539,35 đồng/kWh, trong đó giá phát điện là là 1.188,86 đồng/kWh; giá thành khâu truyền tải là 81,79 đồng/kWh; giá thành khâu phụ trợ, quản lý ngành là 7,04 đồng/kWh.
Doanh thu bán điện năm 2014 là 197.128,89 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện bình quân ở mức 1.532,55 đồng/kWh, thấp hơn giá thành điện. Tuy nhiên, do thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2014 là 1.698,46 tỷ đồng, nên tổng thể EVN vẫn có lãi.
Cụ thể, thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng là 444,25 tỷ đồng; từ hoạt động tài chính của công ty mẹ EVN, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia và các Tổng công ty điện lực là 1.153,21 tỷ đồng; thu nhập từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần (số liệu EVN báo cáo) là 101 tỷ đồng.
Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng.
Theo lý giải của ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mức lãi của EVN trong năm 2014 là quá thấp nếu tính trên cơ sở vốn điều lệ của EVN 160.000 tỷ đồng. Trong khi đó, một loạt các chi phí chưa được hạch toán hết, đặc biệt là khoản chênh lệch tỷ giá.
Trên thực tế, kết thúc năm 2014, EVN vẫn còn “treo” một khoản lỗ tỷ giá khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá điện (lỗ chênh lệch tỷ giá) đến 31-12-2014 của Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia là 1.682,21 tỷ đồng, Tổng Công ty phát điện 1 là 641,75 tỷ đồng, Tổng Công ty phát điện 3 là 810,94 tỷ đồng, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng là 392,12 tỷ đồng và Công ty CP nhiệt điện Quảng Ninh là 1.260,46 tỷ đồng.
“Nếu đưa gần 5.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá vào thì EVN lỗ nhưng EVN xin phép trích dần do chênh lệch tỷ giá chưa phải đến hạn trả ngay”, ông Tri cho hay.
Mặt khác, nếu tách bạch riêng phần sản xuất kinh doanh điện thì giá thành sản xuất điện cao hơn giá bán. Tuy nhiên, EVN còn có các khoản thu khác như tiền gửi các ngân hàng, thu nhập đầu tư công ty cổ phần, bán công suất phản kháng tạo thêm 1.689 tỷ đồng, bù lại một phần lỗ của sản xuất kinh doanh điện.
“Nếu rạch ròi ra thì phẩn sản xuất kinh doanh điện vẫn lỗ, thể hiện mức giá chưa đáp ứng được chi phí. Về mặt tài chính tổng thể vẫn có lãi là công ty mẹ EVN đã vận hành tốt”, ông Tri nói.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014.
Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý, Lý Sơn, Côn Đảo và xã đảo Thạnh An là 142,76 tỷ đồng do giá bán diện bình quân thực tế tại các khu vực này chi bằng từ 17,53% (Thạnh An) đến 58,62% (Phú Quốc).