Chị Phạm Bích Luân, Ấp 19, xã Khánh Thuận, là một trong những hộ nghèo nhưng không có đất sản xuất. Chồng bỏ đi để lại một mình chị nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. May nhờ có cha mẹ cho phần đất ở, chị đầu tư phát triển chăn nuôi. Ðầu năm 2022, vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, chị mạnh dạn đầu tư máy chà mini (trị giá 8 triệu đồng) để chà gạo đặt rượu lấy hèm nuôi heo nái, heo thịt. Số vốn còn lại, chị xây chuồng trại, mua heo giống về nuôi. Ðến nay, cuộc sống dần ổn định nhờ xuất bán heo thịt và heo giống đều đặn, chị tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Chị Phạm Bích Luân cho biết: “Cũng nhờ hội nông dân giúp đỡ, động viên, cho vay vốn để tôi phát triển chăn nuôi mà đến nay kinh tế cũng ổn hơn. Thấy có khả năng phấn đấu nên tôi xin thoát nghèo. Cũng nhờ mua được máy móc tự chà gạo, lấy cám nên tiết kiệm nhiều chi phí mua thức ăn”.
Nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, chị Phạm Bích Luân, Ấp 19, xã Khánh Thuận, vươn lên thoát nghèo. |
Khánh Thuận là một trong những xã nghèo nhất của huyện U Minh, đầu năm 2022, toàn xã có 395 hộ nghèo, chiếm 13,43%. Chính vì vậy, xã tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo như phân công các ngành, đoàn thể phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo; tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi...
Từ các giải pháp trên, đã giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, tích cực tăng gia, sản xuất, sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả và đúng mục đích, tạo ra thu nhập ổn định. Từ đó, nhiều hộ đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
Ông Lê Văn Phục, Ấp 18, xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Xã cho vay một số vốn cải tạo vườn cam, thấy cuộc sống cũng ổn nên tôi xin rút khỏi hộ nghèo. Nói chung Nhà nước hỗ trợ vốn thì mình cố gắng làm ăn để thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại được”.
Ông Trần Hoàng Tú, Trưởng Ấp 19, xã Khánh Thuận, thông tin: “Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách, Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong năm 2022, ấp đã thành lập được tổ hợp tác có 12 hộ nuôi heo thương phẩm để giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, nhất là trong công tác xã hội hoá. Hỗ trợ các nguồn lực, nếu có nhà thì giải quyết nhà, có vốn thì giải quyết vốn để hộ nghèo vươn lên”.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên, qua thống kê đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 2.000 hộ nghèo, chiếm 7,65% (giảm 1,72%); hộ cận nghèo còn 499 hộ, chiếm 1,91% (giảm 0,15%), do đó, huyện sẽ tiếp tục tập trung nhiều giải pháp, đặc biệt là đối với các đối tượng không nhà ở, đất ở, tư liệu sản xuất.
Ông Phạm Văn Tú, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện U Minh, cho biết: “Sắp tới sẽ tiếp tục vận động sự ủng hộ từ công ty, doanh nghiệp, cũng như các cá nhân, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, vốn, tư liệu sản xuất... Ðối với hộ không đất sản xuất nhưng có sức lao động, chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để kết nối tìm việc làm cho lao động nông thôn; đặc biệt là đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, thực hiện được mục tiêu giảm nghèo sẽ kéo theo nhiều chỉ tiêu khác đi lên, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, rất cần sự chung sức, đồng lòng và ý thức vươn lên của chính những hộ nghèo. Có như vậy công tác giảm nghèo mới nhanh và bền vững./.
Trần Chương