Thực tế, trong những năm 1991-1992, Việt Nam đã sa vào khủng hoảng tín dụng ngân hàng với sự đổ vỡ hàng loạt các quỹ tín dụng. Từ cuối năm 2011 đến nay, nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt hệ thống tài chính nói chung và một số ngân hàng thương mại nói riêng phải đối diện với nhiều rủi ro. Các nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu hệ thống tài chính mới chỉ mang lại những kết quả khiêm tốn ban đầu, trong khi mức độ rủi ro, bất định trong nước cũng như bên ngoài vẫn chưa giảm rõ nét. (trích nghiên cứu của
Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn rủi ro, khó khăn nhất
TS Võ Trí Thành, TS Lê Xuân Sang)
Trong một hội thảo vừa diễn ra tại Đại học Kinh tế Quốc dân, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kể một câu chuyện: “Khi tôi hỏi người dân Việt Nam liệu có gặp khủng hoảng tài chính không?”, đa số người dân nói 3-4 năm tới Việt Nam không có khủng hoảng tài chính. Cũng câu hỏi này, tôi hỏi một anh bạn người Nhật Bản thì anh ấy nói chúng ta sẽ vấp phải một cuộc khủng hoảng đâu đó trong tương lai. Kể câu chuyện vui này để thấy mức độ lạc quan của chúng ta ở mức nào so với thế giới?”
Không phải ngẫu nhiên vấn đề an ninh tài chính lại được đặt ra lúc này. Thực tế cho thấy, sau những cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng nợ cho vay bất động sản dưới chuẩn của Mỹ, khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á vào năm 1997, khủng hoảng nợ công của Chính phủ từ Ireland đến Hy lạp gần đây, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau.
Điều này cho thấy các quốc gia ngày càng coi trọng vấn đề kiểm soát an ninh tài chính, tiền tệ, coi nó như vấn đề hệ trọng để ổn định và phát triển bền vững thị trường tài chính, cũng là để ổn định và phát triển kinh tế.
Trả lời cho câu hỏi "Việt Nam có gặp khủng hoảng tài chính không?", một nghiên cứu của TS Võ Trí Thành, TS Lê Xuân Sang đã đưa ra câu trả lời: Dù có nhiều biến động và đối mặt với không ít khó khăn từ năm 2011 đến nay song hầu hết các ý kiến đều nhận định hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn rủi ro, khó khăn nhất.
Mức độ ổn định của hệ thống tài chính Việt Nam được củng cố đáng kể từ nửa cuối năm 2013 đến nay với các dấu hiệu lành mạnh hóa, phục hồi ngày càng rõ nét hơn. Nhiều chỉ số an toàn tài chính vĩ mô như tăng trưởng cán cân thanh toán, cán cân vãng lai, tỷ giá… liên tục được cải thiện.
Tuy vậy, việc nhiều chỉ số an toàn tài chính vĩ mô khá tốt không có nghĩa là hệ thống tài chính không bị sa vào khủng hoảng. Trên thực tế Việt Nam còn gặp nhiều rủi ro trên các phương diện của an toàn tài chính, nhất là có liên quan tới nợ xấu, nợ công và thâm hụt ngân sách Nhà nước (NSNN). "Các rủi ro này không xuất hiện đồng thời khiến khủng hoảng tài chính chưa xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua" - nhóm tác giả trên nhận định.
Nhận diện rủi ro
"Soi" nợ xấu, nợ công, thâm hụt ngân sách, các chuyên gia đã thấy trước những dấu hiệu có thể gây bất ổn an ninh tài chính tiền tệ trong tương lai.
Chuyên gia Nguyễn Thị Mùi, nguyên Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank cho rằng: Chất lượng tín dụng của ngân hàng thường được đánh giá qua chỉ tiêu nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu cao khẳng định một sự phát triển thiếu bền vững, nguy cơ bất ổn hệ thống là rất lớn. Việc sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh là việc làm cấp thiết cho việc an ninh tài chính trong hoạt động ngân hàng.
Trong kinh doanh ngân hàng, để xảy ra nợ xấu trước hết là trách nhiệm của ngân hàng và khách hàng vay vốn nhưng khi nợ xấu đã ở mức cao, kéo dài mà không nhanh chóng xử lý hiệu quả thì số lượng DN không có vốn sản xuất kinh doanh phải ngừng hoạt động, giải thể tăng lên.
Như vậy một lượng vốn lớn trong nền kinh tế không được quay vòng, điều này đã và đang đe dọa đến an ninh tài chính của hệ thống ngân hàng. Vì thế giải quyết nợ xấu không còn là việc riêng của ngân hàng, của khách hàng vay mà còn là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước.
Việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và đưa nó vào hoạt động là thêm một biện pháp giải quyết nợ xấu cho nền kinh tế. Đến nay VAMC đã mua được 123.000 tỷ đồng nợ xấu của 39 tổ chức tín dụng.
Việc bán nợ cho VAMC giúp các ngân hàng thương mại có bảng cân đối tài sản sạch hơn, có điều kiện giải ngân các khoản vay mới đến DN. Tuy nhiên việc xử lý nợ xấu diễn ra rất chậm chạp, sau gần 2 năm hoạt động mới chỉ xử lý được 4.161 tỷ đồng. Đây vẫn được coi là điểm nghẽn trong hoạt động tín dụng ngân hàng.
"Hiện nay để lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, cần tập trung giải quyết nhanh nợ xấu. Nợ xấu chỉ có thể giải quyết rốt ráo khi các con số về nợ xấu của ngân hàng được thống kê chính xác, đầy đủ. Thực tế xử lý nợ xấu hơn 2 năm qua cho thấy một khi chưa minh bạch về số nợ xấu thì hiệu quả mang lại sẽ rất thấp cho dù NHNN có đưa ra nhiều biện pháp, chính sách" - bà Nguyễn Thị Mùi chia sẻ.
Đề cập đến mức thâm hụt NSNN của Việt Nam, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh đánh giá: Chi NSNN của Việt Nam đã và đang ở mức rất cao nên mặc dù thu NSNN tăng mạnh nhưng thâm hụt NSNN không giảm, thậm chí còn tăng.
Muốn cân đối NSNN, giảm thâm hụt NSNN và giảm nợ công thì không thể tiếp tục tăng thu NSNN mà chỉ có thể giảm chi NSNN, nhất là giảm chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Hơn nữa, kỷ luật chi NSNN cần được củng cố để chấm dứt tình trạng chi vượt quá cao so với dự toán trong khi dự toán NSNN đã có khoản chi dự phòng và dự trữ tài chính.
Riêng về nợ công, theo nghiên cứu của TS Tô Đức Hạnh, Đại học Kinh tế quốc dân, cho đến nay, nợ công Việt Nam vẫn được khẳng định là chưa vượt ngưỡng an toàn. Tuy nhiên trong vài năm tới nợ công có khả năng tiếp tục tăng cao và thiếu bền vững.
Vì nhìn vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam từ nay đến năm 2020, có thể thấy trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục phải đi vay để bù đắp những thiếu hụt đầu tư. Bởi tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Việt Nam hiện nay chỉ là khoảng 27% GDP trong khi mức đầu tư toàn xã hội đòi hỏi mỗi năm phải là 42% GDP, nhưng vài năm gần đây mức đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế chỉ đạt khoảng 30%.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và tài chính, Việt Nam đang đối diện với những vấn đề mới từ thế giới có khả năng ảnh hưởng đến an ninh tài chính tiền tệ. Tình hình trong nước những năm qua cũng đã đặt ra những thách thức mới cho an ninh tài chính tiền tệ. Bất ổn kinh tế vĩ mô căng thẳng, kéo dài khiến cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế là con đường duy nhất để vừa nâng cao chất lượng tăng trưởng, vừa đảm bảo cho nền kinh tế có thể đứng vững được trước các cú sốc từ bên ngoài.
TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng: Các định chế tài chính phát triển mạnh Trên thị trường tài chính Việt Nam có khoảng 45 ngân hàng quốc tịch Việt Nam, hơn 60 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh, khoảng 950 quỹ tín dụng nhân dân và trên dưới 100 tổ chức tín dụng phi ngân hàng... Do sự phát triển rất áp đảo của các định chế tài chính so với sự phát triển của sức sản xuất trong những năm gần đây, bức tranh thị trường Việt Nam nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng luôn nằm trong trạng thái "thừa hàng và thiếu tiền". Đó là một biểu hiện của nền kinh tế suy giảm sức mua rất rõ. Trước bức tranh thực trạng về năng lực tổng cầu của nền kinh tế đang rất yếu, về sự ì ạch của thị trường tín dụng nói riêng và về sự lộn xộn của thị trường tài chính nói chung đã, đang và sẽ còn có nguy cơ kéo dài trong bối cảnh mật độ các định chế tài chính... đã đến lúc chúng ta không thể cứ đuổi theo, bị động chữa cháy mà rất cần những giải pháp mang tính đổi mới ở tầm chiến lược và minh bạch hóa bằng pháp luật. TS Đào Minh Phúc, Ngân hàng Nhà nước: Nhiều thách thức phải đối mặt Việt Nam đang trong quá trình ngày càng hội nhập sâu vào thị trường tài chính quốc tế, bên cạnh những lợi ích thu được trong quá trình phát triển thị trường tài chính và phát triển kinh tế thì đồng thời cũng đã và đang đối mặt với những thách thức lớn. Đó là việc bảo đảm sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính trước những cú sốc, những rủi ro, những ảnh hưởng tác động tiêu cực do quá trình hội nhập quốc tế mang lại, chẳng hạn như các rủi ro tỷ giá, rủi ro lạm phát, rủi ro đạo đức... và những cú sốc do luồng vốn đầu tư quốc tế "vào", "ra" ồ ạt... Có thể nói đây là những thách thức luôn phải đối mặt với một nền kinh tế hội nhập. An ninh của một thị trường tài chính chỉ được đảm bảo khi thị trường tài chính phải ổn định; hoạt động an toàn; phát triển bền vững; có khả năng chống đỡ tốt với các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Do vậy, để bảo đảm an ninh tài chính đối với hoạt động của thị trường tài chính thì cùng lúc phải bảo đảm an ninh tài chính đối với thị trường tiền tệ, ngân hàng; thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm. TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng: Phải kiểm soát được dòng vốn ra-vào Để đảm bảo an ninh tiền tệ, vấn đề đặt ra là cần phải kiểm soát được các dòng vốn ra/vào Việt Nam, đặc biệt là các giao dịch vốn ngắn hạn, nếu kiểm soát kém có thể sẽ làm tăng nguy cơ gây ra khủng hoảng. Khủng hoảng có thể đến từ sự lan truyền, đặc biệt là khi mức độ hội nhập tài chính quốc tế càng sâu thì mối quan hệ gắn kết gữa các nền kinh tế, các thị trường tài chính quốc gia càng trở nên gắn bó. Sự gắn bó chặt chẽ này tạo nên một hệ thống có những mối quan hệ hữu cơ với nhau mà sự bất ổn định của một phần tử trong đó sẽ gây mất ổn định cho các bộ phận khác. Do vậy, khi một quốc gia gặp khủng hoảng sẽ nhanh chóng lan truyền và ảnh hưởng, thậm chí kéo theo một khủng hoảng ở quốc gia khác trong liên minh. L.B (ghi) |