Sản xuất giảm
Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất tại Việt Nam) được xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ 400 nhà quản trị mua hàng ở các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, được thực hiện từ tháng 4-2011. Chỉ số PMI là một chỉ số tổng hợp dựa vào năm chỉ số riêng biệt: Đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tồn kho các mặt hàng đã mua.
Theo kết quả khảo sát, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm từ mức 50 điểm vào tháng 3 xuống còn 49,5 điểm vào tháng 4, báo hiệu điều kiện kinh doanh tổng thể trong tháng đã xấu đi.
Nguyên nhân các điều kiện kinh doanh tổng thể của tháng 4 giảm là do sản lượng sản xuất yếu kém đã triệt tiêu sự gia tăng của lượng đơn đặt hàng mới.
Giá cả các hàng hóa dịch vụ liên quan đến xăng dầu tăng cao đặc biệt là chi phí vận chuyển tiếp tục đẩy mức chi phí trung bình lên cao. Tuy nhiên trong tháng 3, tốc độ tăng giá đầu vào đã hạ nhiệt sau 10 tháng tăng liên tiếp. Trong khi đó giá xuất xưởng tăng tương đối thấp và các công ty đều cho rằng sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc giành đơn đặt hàng mới chỉ làm tăng giá bán ra dần dần.
Cuộc khảo sát tháng 4 cho thấy mức độ sản xuất của ngành sản xuất Việt Nam đã giảm nhẹ làm đảo chiều xu hướng tăng của tháng 3. Tuy nhiên, việc giảm sản lượng đã chậm hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2012, chủ yếu là nhờ số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc hoàn thành một số lượng lớn các công việc tồn đọng vào tháng 4 đã giúp hỗ trợ sản xuất.
Bình luận về kết quả cuộc khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, bà Trinh Nguyen, Nhà kinh tế Châu Á của HSBC nhận định: Sản lượng ngành sản xuất giảm nhẹ trong tháng 4 phản ánh quan điểm thận trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù nhu cầu ngoại đã có sự cải thiện nhờ nhu cầu từ Trung Quốc và Nhật Bản tăng lên nhưng nhu cầu nội địa còn yếu đã làm cho các nhà sản xuất phải thận trọng trong việc tích trữ hàng tồn kho.
XK tăng mạnh nhờ đơn hàng
Lần đầu tiên kể từ tháng 11-2011, các nhà sản xuất Việt Nam đã ghi nhận mức tăng tổng thể về số lượng đơn đặt hàng mới. Các DN cho rằng, nhu cầu hàng xuất khẩu mạnh là động lực chính cho tăng trưởng trong tháng 4 khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã được cải thiện suốt ba tháng liên tiếp. Hơn nữa theo dữ liệu tháng 4, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong ngành sản xuất Việt Nam đã đạt mức tăng tổng thể nhanh nhất kể từ thời điểm bắt đầu cuộc khảo sát vào tháng 4-2011.
Các công ty được khảo sát cho biết lượng hàng xuất khẩu của họ sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh hơn, cùng với sự hồi phục doanh số bán hàng ở Nhật Bản đã giúp bù đắp cho nhu cầu giảm từ các nước Tây Âu.
Lượng đơn đặt hàng mới tăng lên cùng với các kế hoạch mở rộng đã tạo thêm việc làm tại các công ty sản xuất trong tháng 4.
Tuy xuất tăng, nhưng các nhà sản xuất của Việt Nam vẫn thận trọng trong chính sách quản lý hàng tồn kho tháng 4 với hoạt động mua hàng hóa đầu vào và tồn kho hàng hóa trước sản xuất đều giảm đi. Việc tiết giảm lượng hàng tồn kho xuất phát từ nỗ lực của các công ty muốn kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn lưu động và tránh tích luỹ hàng tồn không cần thiết.
Lê Thu