Hiện Bộ Tài chính cũng đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT (TTLT 152) theo hướng nới lỏng tỷ lệ khống chế điều chỉnh tăng, giảm giá cước trong phạm vi 5%.
6 trạm thu phí hoàn vốn đã được giảm phí
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ, với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, đã đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường bộ, trong đó có khoảng 700 km đường cao tốc (như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây;...), các cầu quy mô lớn (cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu,...).
Việc hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án đã phát huy ngay hiệu quả, mang lại lợi ích trên nhiều phương diện như tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
BOT hiện là hình thức đầu tư phổ biển trên thế giới vì ngoài việc khắc phục sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư công còn có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (nhà đầu tư, cơ quan nhà nước, ngân hàng và người sử dụng), không làm tăng nợ công, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của người dân thông qua các tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành vận tải, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.
|
Tuy nhiên, việc có nhiều dự án BOT cùng hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu phí đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải. Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020. Trong đó giao Bộ Tài chỉnh chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh phí đường bộ, phí BOT; đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Trên cơ sở thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm phí. Ngày 2/8/2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ GTVT rà soát các dự án BOT đã ký để đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư về việc điều chỉnh mức thu phí, lộ trình thực hiện đối với từng dự án BOT; trên cơ sở đó, đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư điều chỉnh mức phí phù hợp.
Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, trong văn bản vừa được gửi đến Bộ GTVT, Bộ Tài chính cho biết đã ban hành Thông tư điều chỉnh mức thu phí đối với 2 nhóm phương tiện: Nhóm 4 từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt; nhóm 5 từ 200.000 đồng/lượt xuống 180.000 đồng/lượt của 6 trạm thu phí hoàn vốn các dự án đã hoàn thành cuối năm 2015, đầu năm 2016 nhưng thực tế chưa thu phí.
Sẽ nới lỏng tỷ lệ khống chế điều chỉnh tăng, giảm giá cước
Cùng với việc điều chỉnh mức thu phí, Bộ Tài chính cho biết Liên Bộ Tài chính - Bộ GTVT đã thống nhất một số nội dung sửa đổi, bổ sung TTLT 152 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Thực tế sau hơn 1 năm thực hiện TTLT 152 đến nay, bên cạnh những ưu điểm đạt được cũng phát sinh một số bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Dự thảo TTTL sửa đổi, bổ sung một số điều của TTLT 152 đã được gửi xin ý kiến rộng rãi các địa phương, Hiệp hội Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Trong đó, dự kiến bổ sung nới lỏng tỷ lệ khống chế điều chỉnh tăng, giảm giá cước trong phạm vi 5% (thay vì 3% như đã quy định tại TTLT 152), đơn vị không phải thực hiện kê khai lại, nhưng phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.
Tuy nhiên, do các nghị định làm căn cứ ban hành đang được sửa đổi, bổ sung nên Bộ Tài chính cho biết, đã thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT sẽ ban hành TTLT sửa đổi, bổ sung TTLT 152 sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả.
Phương án giảm phí đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ: Giảm 10% - 15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 và nhóm 5 của các trạm có mức thu tối đa Khung tại Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ; giảm 10% - 20% mức phí nhóm 1 và nhóm 2 của 5 trạm có mức thu cao nhất. |
Hoàng Lâm