- Hiện nay tỷ lệ trẻ nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang tăng cao, cùng với đó là đã có một số khuyến cáo về hậu Covid-19 ở trẻ em. Vậy nguyên nhân do đâu và cần phải làm những gì, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thiên Lý: Nguyên nhân dẫn đến việc trẻ dễ mắc bệnh là do sức đề kháng kém, biến chủng vi-rút, cùng với đó là dịch đang lưu hành cao và trẻ chưa được tiêm vắc-xin nên dẫn đến tình trạng trẻ nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Còn về việc trẻ mắc Covid-19 thì phần lớn là trẻ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như nhiễm các siêu vi khác, nhưng vẫn có tỷ lệ nhất định ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và tâm lý. Tỷ lệ trẻ tử vong vì Covid-19 là rất thấp, thế nhưng vẫn có, nên trẻ cần phải được theo dõi sát và điều trị kịp thời.
- Thưa bác sĩ, trẻ bị ảnh hưởng hậu Covid-19 như thế nào mới biến chứng nguy hiểm?
Bác sĩ Trần Thiên Lý: Vấn đề quan trọng gặp ở trẻ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng là hội chứng MIS-C (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children), hay còn gọi là hội chứng viêm đa hệ thống trẻ em. Ðây là hội chứng hiếm gặp, xảy ra sau 2-6 tuần trẻ bị nhiễm Covid-19 và thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 6-15 tuổi.
Các dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị triệu chứng này là mệt mỏi, phát ban, sốt, rối loạn vị giác, đỏ mắt, phù chi, tổn thương cơ tim, suy tim, tổn thương thận, rối loạn đông máu. Khi thấy các dấu hiệu này, cha mẹ nên cho trẻ nhập viện theo dõi kịp thời và tại bệnh viện phải tiến hành chẩn đoán để loại trừ các nguyên nhân khác.
Ðặc biệt, các bậc cha mẹ không nên chủ quan ngay khi không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, các dấu hiệu trẻ bị nhiễm hậu Covid-19 thường thấy là ho kéo dài, đau đầu, nặng ngực, mệt mỏi, hụt hơi, thấy trẻ không khoẻ, ăn không ngon kéo dài (do rối loạn vị giác và khứu giác), trầm cảm, tự ti, kém tập trung, chậm chạp, mau quên…
Bệnh nhi cần được theo dõi liên tục sau khi có kết quả âm tính. (Ảnh chụp tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau). |
- Chúng ta cần phải làm gì để điều trị cho trẻ em hậu Covid-19, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trần Thiên Lý: Trước tiên, khi trẻ bị mắc Covid-19 cần phải tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc đúng với phác đồ của bác sĩ. Nhất là các loại thuốc kháng đông, kháng viêm chỉ được sử dụng cho trẻ em khi điều trị tại bệnh viện, trẻ cần phải được theo dõi nhiều tháng sau khi có kết quả âm tính.
Các bậc cha mẹ có nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ có các dấu hiệu hậu Covid-19, cần phải đi đến các trung tâm y tế, bệnh viện để tiến hành khám tầm soát, kiểm tra tổng quát toàn bộ cơ quan của trẻ nghi ngờ có vấn đề.
Trong thời gian điều trị cần phải có sự đồng hành xuyên suốt của bác sĩ và cha mẹ đối với trẻ, bởi trong giai đoạn này trẻ rất cần sự động viên, hỗ trợ tích cực từ cha mẹ, thầy cô. Trong quá trình này cần phải tạo một tâm lý tích cực cho trẻ, thường xuyên hỗ trợ trẻ vận động, chơi các môn thể thao thích hợp, duy trì chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và hạn chế trẻ tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử.
- Thưa bác sĩ, hiện tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã có phòng khám hậu Covid-19 cho trẻ em không?
Bác sĩ Trần Thiên Lý: Hiện tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đang tiến hành mở thêm phòng khám hậu Covid-19 cho trẻ em, dự kiến trong tháng 3 sẽ hoàn thành.
Về nhân lực, các bác sĩ tại bệnh viện hoàn toàn có đủ năng lực về các chuyên khoa khám và điều trị cho trẻ em. Về cơ sở vật chất, bệnh viện được trang bị đầy đủ các hệ thống xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh phục vụ công tác điều trị.
Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 tại TP Hồ Chí Minh, nếu trường hợp trẻ hậu Covid-19 có các vấn đề phức tạp sẽ được hội chẩn trực tiếp, hay bệnh viện sẽ hỗ trợ chuyển tuyến nhanh nhất khi cần thiết./.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Các khuyến cáo y tế khi chăm sóc trẻ bị Covid-19:
1. Hạn chế tiếp xúc
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác; không tập trung chỗ đông người; cho bé chơi và học tại nhà; mang khẩu trang khi ra ngoài.
2. Giữ vệ sinh sạch sẽ
Giữ vệ sinh môi trường xung quanh; vệ sinh các vật dụng, bề mặt, đồ chơi trẻ tiếp xúc; rửa tay thường xuyên; vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý; giữ ấm khi thời tiết trở lạnh.
3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất bột, rau, cải, thịt, trứng, các loại trái cây để đảm bảo đủ vitamin; ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể: thể thao, hoạt động tay chân ở trẻ lớn.
4. Tiêm ngừa đầy đủ theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Khánh Phương thực hiện