Để bàn sâu hơn về những vấn đề trên, vào chiều tối ngày 23/5, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu –Từ góc độ chính sách và pháp luật”.
Xét về nguyên nhân của các khoản nợ xấu, có thể thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng không có nghĩa là do ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, mà xuất phát từ những khách hàng vay không trả được nợ. Đặc biệt ở Việt Nam, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế nước ta đã chịu tác động tiêu cực và kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố không thuận lợi. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu... Có thể nói nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế và để giải quyết nợ xấu.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm tháng 1/2017, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).
Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC), lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN cho hay, một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu chưa xử lý dứt điểm là cơ chế pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, làm giảm hiệu quả xử lý. Đặc biệt, cơ chế hiện nay chưa bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của TCTD, chưa tạo thuận lợi cho quyền xử lý tài sản đảm bảo, thời gian xử lý tài sản đảm bảo tại tòa án kéo dài... Những vướng mắc này liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện hành.
Chính vì thế, ban đầu, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Chính trị, NHNN dự định xây dựng một luật sửa nhiều luật về tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, sau nhiều bàn thảo, dự luật này đã được sửa đổi thành dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD. Dự thảo này đã lấy ý kiến rộng rãi và đang chờ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này.
Đánh giá về dự thảo Nghị quyết, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết đã đưa ra nhiều điểm mới và những vấn đề cốt lõi như: Không sử dụng ngân sách nhà nước; không trái với hiến pháp; giới hạn thời gian hoàn thành và kết thúc Nghị quyết để tránh tâm lý ỷ lại của các TCTD; Nghị quyết có hiệu lực ngày từ 1/1/2017, không phải đợi trình tự sau 6 tháng như thông thường; thể hiện rõ quan điểm bảo toàn vốn nhà nước, nhưng vẫn chấp nhận theo nền kinh tế thị trường; cuối cùng là không loại trừ trách nhiệm cá nhân sai phạm gây ra nợ xấu.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc xử lý hiệu quả tài sản đảm bảo đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp, chính đáng của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ tài sản đảm bảo.
Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, bản thân các TCTD không đủ quyền lực để thu hồi nợ, thù hồi tài sản đảm bảo hoặc mua bán nợ theo thị trường mà không xung đột với các đạo luật khác.
Nguyên nhân do nhiều quy định của pháp luật chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD /VAMC, cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Hơn nữa, các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm như về quyền thu giữ tài sản.
Chính vì thế, có thể thấy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu bằng việc ban hành một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.