Tại Hà Nội, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, riêng Bệnh viện Xanh Pôn đã tiếp nhận 4 ca cấp cứu bỏng do bóng bay phát nổ.
Ngày 26/2, sau khi tổ chức lễ mừng thọ cho một người thân, chị D.T.M. (ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gom bóng bay để phát cho các cháu nhỏ trong nhà chơi, thì đột ngột chùm bóng bay phát nổ, khiến chị và 4 người khác bị bỏng phải đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, trong đó chị D.T.M. bị bỏng nặng.
Cũng tại bệnh viện này, ngày 14/2 đã cấp cứu cho chị M.P.L. (22 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chùm bóng bay 55 bóng dùng để trang trí tiệc của công ty phát nổ khiến chị M.P.L. bị bỏng mặt cấp độ 1, bỏng cổ và tay cấp độ 2.
Trước đó, ngày 11/2, tại khu Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng xảy ra vụ nổ bóng bay trong ô-tô 4 chỗ, khiến cháu bé 3 tuổi bị bỏng mặt, 3 người khác bị cháy sém tóc, kính xe bị nứt.
Ngày 24/12/2016, một chùm bóng bay trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phát nổ làm một người phụ nữ bị thương. Tối 15/9/2016, trong đêm Trung thu tại Đồng Hới (Quảng Bình), một chùm bóng bay phát nổ khiến 9 người bị thương nặng.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn), đã xảy ra nhiều vụ nổ bóng bay chứa khí dễ cháy nổ, nạn nhân bị bỏng thường là thanh niên và trẻ nhỏ. Do vậy, cần cảnh giác với hiểm họa nổ bóng bay.
Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, giảng viên Khoa Kỹ thuật hoá học (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Hydro là khí nhẹ hơn không khí nên được dùng bơm vào bong bóng để bóng bay được. Bóng bơm khí hydro có thể gây nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt (làm cho nó giãn nở và nổ). Ngoài ra, do hydro là một khí dễ cháy nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt, ngọn lửa, tia lửa điện nên nguy cơ cháy nổ của bóng khí hydro lại càng cao”.
Ngoài khí hydro, có thể dùng các loại khí khác nhẹ hơn không khí để bơm vào làm bóng bay như khí helium. Tuy nhiên loại khí này có giá thành cao nên ít được sử dụng; còn các khí nhẹ khác như methane, acetylene cũng là những khí có nguy cơ cháy nổ cao nên cũng hạn chế sử dụng.
Vì các loại khí sử dụng bơm vào bóng bay đa phần đều là các khí không màu, không mùi nên rất khó phân biệt bóng bay chứa hydro với bóng bay chứa khí khác.
Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy khuyên: “Không chơi và sử dụng bóng bay là cách hạn chế tốt nhất hiểm hoạ nổ bóng bay. Nếu chơi hoặc tiếp xúc bóng bay thì không nên ở gần nguồn nhiệt, ngọn lửa, nơi có tia lửa điện, hoặc nơi có không gian kín, chật, có vật liệu dễ cháy nổ. Ngoài nguy cơ cháy nổ, bóng bay khí hydro có thể gây ngạt nếu ở trong không gian kín, chật hẹp. Các vật liệu làm bóng cũng có khả năng gây ngộ độc, tuỳ vào thành phần các tạp chất độc hại có thể hiện diện trong đó”.
Theo báo điện tử SGGP