Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được lãnh đạo quan tâm, chỉ đạo. Hiện nay, 100% phòng, ban chuyên môn của UBND huyện có thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả trên hệ thống một cửa điện tử; đa số các xã, thị trấn thực hiện tiếp nhận và trả kết quả trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Triển khai tổ chức các lớp tập huấn CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tạo tiền đề để phổ biến kiến thức về CĐS và ứng dụng CNTT đến mọi tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có mạng LAN và kết nối cáp quang. 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được trang bị máy tính đáp ứng yêu cầu công việc, cấp xã 98% cán bộ, công chức được trang bị máy tính, có kết nối internet; 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn đều thực hiện ký số và sử dụng thường xuyên hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-Ioffice.
Duy trì hoạt động và nâng cấp Trang thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã, thị trấn theo hướng dẫn, đảm bảo quy định pháp luật. Huyện trang bị 2 phòng họp trực tuyến, cấp xã 13/13 có phòng họp trực tuyến kết nối họp trực tuyến để phục vụ các cuộc họp, hội nghị định kỳ hằng tháng và đột xuất giữa Trung ương, tỉnh với huyện, xã.
Duy trì ứng dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành do tỉnh triển khai về quản lý giáo dục, y tế, thi đua khen thưởng, lĩnh vực lao động... Các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện cập nhật dữ liệu, báo cáo đầy đủ đúng theo quy định.
Đồng thời, ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số, CĐS và bảo đảm an toàn thông tin; tham dự các chương trình bồi dưỡng về CĐS, phát triển chính quyền số.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các văn bản của Trung ương, tỉnh về CĐS đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị; tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày CĐS quốc gia; mua sắm trang thiết bị CNTT phục vụ CĐS.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thành lập nhóm Zalo, Tổ công nghệ số cấp huyện; 13/13 xã, thị trấn và 97/97 xóm, tổ dân phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
Đồng chí Hoàng Minh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang cho biết: Đến nay, huyện đã thực hiện CĐS trên các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, huyện đang thực hiện công cuộc CĐS một cách toàn diện.
Trong đó, một trong những thước đo của quá trình CĐS là xây dựng chính quyền số. Huyện ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo về quy định, bảo đảm an toàn thông tin gắn liền với hoạt động ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số trong hoạt động của cơ quan theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.
Triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, phần mềm, hạ tầng ứng dụng CNTT của huyện, như: cài đặt phần mềm bảo vệ, diệt virus, phòng chống mã độc cho toàn bộ hệ thống máy tính của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn.
Thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính trên hệ thống phần mềm một cửa liên thông VNPT-iGate. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp đối với cấp huyện là 211 dịch vụ.
Đối với cấp xã, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp 83 dịch vụ. Kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công có phát sinh hồ sơ 68,7% đối với cấp huyện, 4,6% đối với cấp xã…
Về kinh tế số, huyện đẩy mạnh việc thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; ứng dụng đồng bộ các nền tảng công nghệ số phục vụ công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn cài đặt cho hơn 100 lượt người tham gia sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (Mobile Money) tại Thị trấn Thanh Nhật.
Nét nổi bật trong xã hội số đó là thực hiện ứng dụng các phần mềm CNTT trong công tác quản lý khám chữa bệnh, như: Hồ sơ sức khỏe người dân (VNPT HSSK), Hệ thống quản lý thông tin trạm y tế xã HMIS,... 100% trường học trên địa bàn huyện ứng dụng CNTT trong công tác quản lý học tập, liên hệ giữa nhà trường, học sinh và gia đình.
Hướng dẫn khởi tạo, đăng ký mới tài khoản Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống một cửa của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia cho người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện.
CĐS là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. vì vậy, thời gian tới, để công tác CĐS được nhanh và hiệu quả, huyện cố gắng kết nối với các đơn vị, các ngành của tỉnh mở thêm các lớp tập huấn cho các thành viên trong các tổ CĐS cộng đồng.
Tranh thủ mọi nguồn lực xã hội đẩy nhanh hơn nữa công tác CĐS trên địa bàn, từng bước xây dựng “Chính quyền mạnh, trách nhiệm cao, sáng tạo phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
TheoMinh Hòa(Báo Cao Bằng)