【lichthidau.com.vn nhan dinh】Cô giáo mầm non bị gỡ kênh Youtube vì trót dùng nhạc Nguyễn Văn Chung

Cô giáo mầm non bị gỡ kênh Youtube vì trót dùng nhạc Nguyễn Văn Chung

Hoàng HồngHoàng Hồng

(Dân trí) - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa lên tiếng trên trang cá nhân liên quan sự việc một cô giáo mầm non bị "đánh gậy bản quyền" vì dùng nhạc của anh trong 3 clip văn nghệ tại trường.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết đây không phải lần đầu tiên có giáo viên liên hệ với anh xin "gỡ gậy bản quyền". Việc các giáo viên dùng nhạc của anh và bị xóa tài khoản Youtube đã xảy ra nhiều lần. Do đó, lần này nhạc sỹ quyết định lên tiếng trên trang cá nhân để làm rõ vấn đề.

"Các tác phẩm của tôi bao gồm nhạc thiếu nhi, nhạc gia đình, nhạc quê hương đất nước, tôi cho phép các trường, các thầy cô, các cháu học sinh sử dụng hoàn toàn miễn phí với mục đích giáo dục, biểu diễn, thi văn nghệ…

Tôi và các đối tác ủy quyền không thu tiền tác quyền ca khúc, không khai thác quản lý tác quyền trong các hoạt động giáo dục này", nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung khẳng định.

Cô giáo mầm non bị gỡ kênh Youtube vì trót dùng nhạc Nguyễn Văn Chung - 1

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (Ảnh: NVCC).

Nhạc sĩ giải thích, sự cố "đánh gậy bản quyền" xảy ra là do các cơ chế tự động và điều luật gắt gao về khai thác, quản lý tác quyền từ Youtube, hoàn toàn không phải chủ ý của anh và ê-kíp. 

"Xin mọi người hiểu và thông cảm rằng đó không phải là chủ ý của Chung. Và nếu xảy ra trường hợp như vậy, xin đừng ngại inbox, hoặc email cho Chung và trợ lý Chung để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất!

Nhờ mọi người chia sẻ thông tin này rộng rãi đến các thầy cô và các trường nhé!", nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung thông báo trên trang cá nhân.

Tác giả Nhật ký của mẹchia sẻ thêm, anh nhận được lá thư có tiêu đề "Khẩn thiết xin gỡ gậy bản quyền" từ cô giáo Phạm Giang Trường An.

Theo thông tin trong email, cô giáo cho biết bị xóa tài khoản do dùng 3 ca khúc của Nguyễn Văn Chung để biên đạo tiết mục múa cho học sinh ở trường gồm: "Hôm nay tuổi mới", "Mẹ mang xuân về", "Cảm ơn chú bộ đội". 

Cô giáo tiếc nuối vì kênh Youtube cá nhân lưu trữ rất nhiều clip trong quá trình giảng dạy cũng như kỷ niệm với học trò. Do đó, cô đã gửi thư xin nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung rút khiếu nại để khôi phục lại kênh.

Trong ngày hôm qua, ê-kip của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã làm việc với các đơn vị liên quan gồm Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và BELIEVE - đơn vị khai thác kho nhạc số trên nền tảng số.

Tuy nhiên, nguyên nhân vụ việc lại không nằm ở hai đơn vị này mà do một đơn vị khai thác tác quyền khác không kí kết hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Sau một ngày làm việc với các bên, tài khoản Yotube của cô giáo Phạm Giang Trường An đã được khôi phục lại.

Cô giáo mầm non bị gỡ kênh Youtube vì trót dùng nhạc Nguyễn Văn Chung - 2

Kênh Youtube của cô giáo Phạm Giang Trường An đã được khôi phục lại (Ảnh do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cung cấp).

Nói về lý do miễn tác quyền cho tất cả các nhà trường, giáo viên và học sinh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay anh muốn các thầy cô có kho tài liệu để giảng dạy âm nhạc trong nhà trường. 

Cùng vì thường nhận được tin nhắn của thầy cô liên quan tới chuyện bản quyền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã chi gần 1 tỷ xây dựng dự án Cùng con tập hát.

Trong dự án này, nhạc sĩ thuê giáo viên thanh nhạc dạy 300 bài hát thiếu nhi ở nhiều đề tài khác nhau và phát trên kênh Youtube "300 bài hát thiếu nhi". Toàn bộ kho clip này được miễn phí.

"Việc dạy và học môn âm nhạc trong nhà trường, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa, hải đảo, biên giới gặp rất nhiều khó khăn.

Với dự án này, tôi mong muốn sẽ đóng góp được phần nào đó hỗ trợ các thầy cô hoàn thành nhiệm vụ của mình và gieo tình yêu âm nhạc đến các em nhỏ ngay từ trên ghế nhà trường", nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Nhạc sỹ nói thêm, lâu nay mảng âm nhạc thiếu nhi không được giới nhạc sĩ quan tâm nhiều, ít sáng tác mới, ít người đầu tư làm nhạc thiếu nhi chỉn chu. Anh mong muốn mảng âm nhạc này sẽ có nhiều người chung tay để tạo ra sự thay đổi, khởi sắc, phục vụ hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho học sinh.