【atalanta vs bologna】Từ trường làng tới suất học bổng toàn phần Hàn Quốc của nữ sinh 9X
Từ trường làng tới suất học bổng toàn phần Hàn Quốc của nữ sinh 9X
CTV(Dân trí) - Lớn lên tại Yên Mô (Ninh Bình), Đinh Thúy Quỳnh chưa từng nghĩ tới du học. Sau khi đi làm 2,3 năm, cô thấy bản thân cần tiến xa hơn nên quyết tâm xin học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc (KGSP).
Từ công việc ổn định đến mong muốn phát triển bản thân
Đinh Thúy Quỳnh (sinh năm 1999) là cựu học sinh trường THPT Yên Mô A (Ninh Bình). Nhờ chăm chỉ học hành, cô đỗ vào khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và sau 4 năm học cô tốt nghiệp với tấm bằng giỏi.
Sau khi ra trường cô làm cho công ty nước ngoài với mức lương ổn định. Tuy nhiên, khi dần quen với môi trường làm việc, cô nhận ra rằng để tiến xa hơn trong sự nghiệp cần phải nâng cao kiến thức và kỹ năng.
"Đi làm được một thời gian, có những lúc khá áp lực vì công việc và mình luôn suy nghĩ nếu tiếng Hàn của mình tốt hơn thì sao? Tôi muốn bước chân ra khỏi thế giới, và học hỏi những kiến thức mới để mở rộng tư duy phát triển chuyên môn", Quỳnh chia sẻ.
Nghĩ là làm, Quỳnh bắt tay vào việc chuẩn bị cho du học trong khi thời gian không có nhiều.
Quỳnh phải một mình xoay sở, vừa làm việc toàn thời gian ở công ty, vừa chuẩn bị hồ sơ xin học bổng, thời hạn nộp hồ sơ gấp gáp.
Những buổi tối sau giờ làm việc, cô miệt mài với sách vở, các tài liệu chuẩn bị như các bài luận chính, bài luận phụ và kế hoạch học tập, làm việc.
Thúy Quỳnh cẩn trọng chọn 2 đến 3 trường để ứng tuyển. Với cô, viết bài luận là khâu "nhức não" nhất vì cả 2 bài luận đều giới hạn trong 3 trang A4. Trong cả quá trình làm hồ sơ, cô phải viết để cho hội đồng tuyển sinh thấy con người, cá tính của mình.
"Hồ sơ xin học bổng gồm 2 bài luận chính là giới thiệu bản thân và kế hoạch học tập. Trong giới thiệu bản thân, mình viết về quá trình phát triển bản thân cùng với tiếng Hàn từ khi mình cuối năm cấp 3 cho đến khi đi làm.
Ở kế hoạch học tập, phần thứ 2 mình thấy là phần quan trọng nhất. Phần này, mình nêu lí do chọn trường và phải đi tìm hiểu về định hướng, điểm mạnh, kế hoạch giảng dạy của trường, của khoa mà mình định ứng tuyển để viết kế hoạch học tập cho từng kỳ học cụ thể trong vòng 2 năm học", cô gái 9X cho hay.
Chia sẻ thêm về quá trình viết bài luận, Quỳnh tâm sự: "4 năm trước mình có cơ hội nhận được học bổng trao đổi một năm tại Hàn và tôi tự thấy thời gian đó đã giúp mình khá nhiều trong việc giành được học bổng Chính phủ. Nó như thể "gia vị chính" cho bài luận xin học bổng của mình vậy".
Thành quả ngọt ngào
Sau một tháng nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng Quỳnh cũng nhận được thư chấp nhận với suất học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc. Nữ sinh Ninh Bình đã rất xuất sắc vượt qua hàng trăm đối thủ nặng ký để nằm trong top 15 người được nhận học bổng.
Chương trình cho phép cô học 2 năm Thạc sỹ chuyên ngành ngôn ngữ Hàn Quốc tại Đại học Sogang- một trong những ngôi trường top đầu tại Hàn Quốc. Học bổng không chỉ bao gồm học phí mà còn hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt, vé máy bay với trị giá hơn 1 tỷ đồng.
"Để xin được học bổng rất khó, tỷ lệ cạnh tranh cũng khốc liệt, mình đã may mắn vượt qua các đối thủ trong nước để giành được học bổng. Học bổng này giúp mình tập trung hoàn toàn vào việc học tập và nghiên cứu. Điều mà mình không làm được nếu chỉ dựa vào tài chính của bản thân", Quỳnh chia sẻ.
Khi nộp hồ sơ du học, bên cạnh sở hữu bài luận ấn tượng, Thúy Quỳnh cũng rất tự tin trong buổi phỏng vấn. Khi phỏng vấn, Thúy Quỳnh gặp phải các câu hỏi liên quan đến các vấn đề học tập, những vấn đề mà cô viết trong bài luận.
Cô gái Ninh Bình chia sẻ: "Trước hết, bản thân phải cảm thấy thoải mái, hãy coi cuộc phỏng vấn như một cuộc nói chuyện với hội đồng giám khảo và mình chỉ đang chia sẻ những suy nghĩ, nguyện vọng của mình thôi.
Thứ hai là mình cũng nên tìm hiểu và chuẩn bị trước những nội dung có thể sẽ được hỏi và viết ra những ý chính. Chỉ nên ghi chú ý ngắn gọn, chứ không phải viết cả một đoạn dài ra rồi học thuộc".
Hiện tại, Thúy Quỳnh đã qua Hàn được hơn 2 tháng và đang thích ứng với chương trình học Thạc sỹ. Chương trình học của khoa hơi nặng với sinh viên ngoại quốc nên khoảng thời gian mới nhập học, Thúy Quỳnh đôi lúc cảm thấy áp lực.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Quỳnh rút ra những bí quyết khi chinh phục học bổng toàn phần Chính phủ Hàn Quốc: "Hãy định hướng từ sớm, việc nghiên cứu kỹ càng về các chương trình học bổng là rất quan trọng. Chuẩn bị thật tốt về kiến thức và kỹ năng như bảng điểm và các chứng chỉ ngoại ngữ là rất quan trọng. Thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa, và bản thân khi gặp khó khăn không được nản chí, phải luôn cố gắng, không bỏ cuộc".
Trong tương lai gần, Thúy Quỳnh vẫn muốn tiếp tục học tốt, chơi tốt và trải nghiệm thêm nhiều điều mới lạ tại đất nước Hàn Quốc xinh đẹp. Sau khi tốt nghiệp, cô muốn ở lại Hàn Quốc 1-2 năm để trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Hiền Lương