Phường còn mang dáng dấp nông thôn, kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp, nuôi thuỷ sản, kết hợp với thương mại - dịch vụ. Người dân nơi đây đã lựa chọn và xây dựng mô hình nuôi, trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đã tận dụng thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế của đất, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập. Từ đó, đời sống của cán bộ, hội viên nông dân từng bước được nâng lên, hộ khá, giàu, chiếm 65,41%; hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 3,25%. Mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 45 triệu đồng/người/năm.
Phong trào thể dục, thể thao của phường phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia. |
Tuy nhiên, tình hình sản xuất của nông dân còn khó khăn: thiên tai, dịch bệnh còn nhiều tiềm ẩn, rủi ro; chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế, lợi nhuận thấp… Vì vậy, người nông dân phải có ý chí quyết tâm, cần cù, chịu khó, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng và phân công lao động hợp lý.
Từ năm 2012 đến nay, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả, làm giàu, lợi nhuận mỗi năm từ 300-500 triệu đồng. Chẳng hạn như mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, kết hợp trồng cây ăn trái, cây kiểng của lão nông Nguyễn Hữu Ánh; mô hình nuôi cá kết hợp với trồng rau màu trên bờ ao của nông dân Phạm Văn Hiệp; mô hình nuôi cá sấu, cá bống tượng, nuôi tôm công nghiệp của nông dân trẻ Cao Ngọc Thuấn; mô hình nuôi cá, trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch - dịch vụ của nông dân Cao Hoàng Hiệu, Cao Văn Dũng…
Với đam mê và mong muốn du khách có nơi để tham quan, du lịch, ông Cao Văn Dũng và ông Cao Hoàng Hiệu đã nghĩ đến việc xây dựng và phát triển du lịch vườn. Năm 2017, ông đã vận động 4 hộ, với diện tích gần 5 ha, làm lộ bê-tông ngang 1,2 m, dài 1.252 m liên kết các hộ với nhau, phục vụ du khách đến tham quan, giải trí, thông qua việc mở các dịch vụ ăn uống, câu cá, mua trái cây về làm quà biếu…
“Con cá chình, cá bống tượng nuôi dưới mặt nước, còn ở trên đất mình không đa cây thì cũng phí; từ chỗ đó mình thấy phải kết hợp như thế nào, dưới thì mình nuôi, ở trên thì trồng cây. Nói chung, so với trước đây chỉ nuôi cá không thì nguồn thu nhập không cao; bây giờ bán được các sản phẩm như ổi, cây trái trong vườn của mình, tăng thêm nguồn thu nhập, từ đó lấy ngắn nuôi dài để bổ sung cho con cá, nên nguồn thu nhập khả quan hơn”, ông Cao Văn Dũng, Khóm 2, phường Tân Thành, cho biết.
Nhằm thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành Trần Việt Hùng cho biết, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa, có cơ chế, chính sách phù hợp, rà soát, điều chỉnh quy hoạch hợp lý, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tập trung; đa dạng hoá cây trồng vật nuôi; hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật theo hướng “cầm tay chỉ việc”; hỗ trợ vốn tập trung dài hạn, kêu gọi, liên kết các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, tránh tình trạng cung vượt cầu, tư thương ép giá, điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Có như vậy, sản phẩm của nông dân làm ra, nhất là thương hiệu cá chình, cá bống tượng Tân Thành mới phát huy hiệu quả và vươn xa ra thị trường thế giới./.
Nhật Minh