Sắc phong Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn năm Khải Định thứ 2-1917,íẩnvềmộtcôngnữđượcmệnhdanhHuyềnTrâncôngchúathứxem kết quả giải vô địch ý làng Dã Lê Thượng, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy
Từ nghi vấn đến khẳng định
Công nữ Ngọc Vạn, vị thứ nữ của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, trước nay được giới nghiên cứu khẳng định là Hoàng hậu Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac của Quốc vương Chey Chettha II (ở ngôi: 1618-1628) nước Chân Lạp. Trong sách Việt sử xứ Đàng Trong (1969), trang 401, sử gia Phan Khoang viết rằng: “... chúa Hy Tông có 4 người con gái, hai nàng Ngọc Liên, Ngọc Đãnh [tức Ngọc Đĩnh] thì có chép rõ sự tích chồng con, còn hai nàng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa thì chép “khuyết truyện”, nghĩa là không rõ tiểu truyện, tức là không biết chồng con thế nào. Vậy người gả cho vua Chey Chetta II phải là Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa”. Từ việc đặt ra giả thiết của sử gia Phan Khoang, năm 1973, ở sách "Biên Hòa sử lược toàn biên", tập 2, mục “Anh thơ, Liệt nữ”, tác giả Lương Văn Lựu xác quyết rằng “Công chúa Ngọc Vạn (Hoàng hậu Thủy - Chân-lạp) mở đường Nam tiến đến đất Đồng Nai”.
Từ giả thiết đến việc khẳng định có hệ thống hơn càng được củng cố bằng bộ tông phả Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm 1995, của Ban trị sự Nguyễn Phúc tộc. Tại mục “Đức Thần tông Hiếu Chiêu Hoàng đế, húy Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) Thượng vương (chúa Thượng)” khi nói về anh - chị - em của chúa Thượng đã viết: “Nguyễn Phúc Ngọc Vạn (Hoàng hậu Chân Lạp): bà húy là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, con gái thứ hai của đức Hy Tông. Cùng mẹ với Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Kỳ. Tiểu sử không rõ. Năm Canh Thân (1620) bà được đức Hy Tông gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II. Về sau, nể tình bà, vua Chân Lạp đã cho người Việt lập một dinh điền tại Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay)”. Bên cạnh đó, có rất nhiều bài báo, tạp chí liên quan từ trước đến nay khi nhắc đến Hoàng hậu người Việt của nước Chân Lạp đương thời đều khẳng định đấy là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn. Thậm chí, nhà văn Ngô Viết Trọng ở hải ngoại cũng đã xuất bản một cuốn sách mang tên “Công nữ Ngọc Vạn” theo thể loại tiểu thuyết lịch sử.
Sự lạ lùng với một công nữ Ngọc Vạn ở Huế
Tuy vậy, vị Hoàng hậu đó có đúng là Công nữ Ngọc Vạn hay không? Nếu bà đúng là Ngọc Vạn, thì tại sao với công lao to lớn đó mà từ sử sách, thư tịch, địa chí của Quốc gia nói chung, và ở vùng đất Nam Bộ nói riêng (như Gia Định thành thông chí, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí...) cho đến tín ngưỡng thờ phụng, phong tục tập quán... của cư dân địa phương lại hiếm khi nhắc đến tên bà?
Có một điều khá lạ lùng, ngay tại vùng đất Thừa Thiên Huế, lại có đầy đủ những gì liên quan đến Công nữ Ngọc Vạn. Đó là sắc phong, tẩm mộ, bài vị và tín ngưỡng thờ cùng Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn do người dân hai làng Dã Lê Chánh (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy) và Dã Lê Thượng (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) bảo lưu, gìn giữ và tế lễ thường niên.
Ở làng Dã Lê Chánh, miếu của bà với tên gọi "Quận chúa miếu", hiện đặt trang trọng, đồng hàng trong khuôn viên các miếu của những vị Khai cơ (được sắc phong Khai canh), bài vị (thần chủ) ở miếu ghi rất rõ là: “Phụng vi hiển linh Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn quý nương, thụy Từ Hoan, pháp hiệu Diệu Đức trung đẳng thần”. Theo các cụ hội đồng tộc trưởng của làng Dã Lê Chánh, miếu thờ bà được dân làng kính trọng gọi là “Miếu Bà Vàng” (một cách kiêng gọi thẳng tên của bà Ngọc Vạn). Bà luôn được xướng danh trong các lễ tế của làng Dã Lê Chánh từ xưa đến nay, tuy nhiên, ở đây không có sắc phong của Bà.
Làng Dã Lê Thượng, một làng được tách từ làng Dã Lê Chánh, lại là nơi còn giữ được sắc phong dành cho Công nữ Ngọc Vạn. Trong tổng số 29 sắc phong hiện được lưu giữ tại làng Dã Lê Thượng, có 2 sắc phong cho Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn: 1 sắc phong riêng cho bà vào ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917), sắc phong còn lại là sắc phối phong cùng với nhiều vị thần khác vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924). Hai sắc phong này vẫn còn nguyên vẹn, có chiều dài 125cm, chiều rộng là 50cm, thể hiện trên giấy long đằng đặc trưng phổ biến của thời Khải Định.
Làng Dã Lê Thượng (Thủy Phương, Hương Thủy), không có miếu thờ Bà, nhưng lại có bài vị hiện được đặt ở hậu điện. Trước đây, bài vị được đặt ở đình làng nhưng do biến động, nên dân làng đưa lên hậu điện chùa Linh Sơn của làng.
Dân làng Dã Lê Thượng cho biết, từ lâu nay cũng xướng danh vị thần này là “Bà Vàng”. Đấy chính là cách gọi chệch kiểu kiêng húy “Ngọc Vạn” thể hiện sự tôn kính rất lớn đối với Bà. Bên cạnh đó, làng còn coi sóc mộ phần của Bà, nằm ở vùng núi Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Mộ vẫn giữ nguyên kiểu cách hình yên ngựa (mã liệp) đặc trưng từ thời xa xưa. Tương truyền, ngày xưa ngôi mộ ấy có khuôn viên rất lớn và có người được triều đình tuyển cử coi giữ lăng mộ.
Qua khảo sát, cho thấy danh xưng "Tống Sơn quận chúa" là danh hiệu tôn xưng cho các công nữ - con gái của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong - sau khi họ qua đời. Cùng với những thông tin khảo sát từ hai làng Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng, tôn thần có danh hiệu "Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn" nay đang hiện hữu tại hai làng Dã Lê Chánh và Dã Lê Thượng chính là vị công nữ thứ hai của Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên. Điều này cũng khiến cho câu chuyện được lưu truyền lâu nay là Công nữ Ngọc Vạn được gả cưới cho Quốc vương Chey Chettha II nước Chân Lạp cũng như việc Chúa Sãi có bao nhiêu người con gái cần được nghiên cứu kỹ càng hơn.
Liệu Công nữ Ngọc Vạn chính là vị Hoàng thái hậu nước Chân Lạp? Và, những năm cuối đời, sau khi dựng chùa Gia Lào ở núi Chứa Chan (Đồng Nai) để tịnh tu, lại quay về làng Dã Lê (thời điểm đó hai làng này chưa tách) để sinh sống, rồi qua đời tại đây như hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu – Huỳnh Đình Kết từng khẳng định trong cuốn sách "Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19 trong dân gian vùng Huế", Nxb Thuận Hóa, tr.85, năm 2011. Và nếu có thực như nhận định trên, thì tại sao Công nữ Ngọc Vạn lại không quay về với gia đình nhà Chúa, mà lại chọn làng Dã Lê để cư trú?
Và không dừng lại đó, những vấn đề thông tin lịch sử từ dấu vết của Công nữ Ngọc Vạn sẽ buộc các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu một cách thấu đáo hơn vùng đất Đông Nam Bộ và quá trình lịch sử được gọi là Nam tiến đầu thế kỷ 17.
Bài, ảnh: Đình Đính