Nội dung có ý nghĩa chiến lược
GS.TS Nguyễn Thanh Hà, Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục Việt Nam khẳng định: VHNT dân tộc là suối nguồn của cuộc sống và sáng tạo, góp phần xây dựng con người trở thành cá nhân vừa có nền tảng kiến thức, có cảm giác được thuộc về cộng đồng mình, vừa có ý thức bảo vệ nét đẹp văn hóa tộc người và luôn tìm được nguồn cảm hứng sáng tạo.
Theo TS Trương Thông Tuần, Giám đốc Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên (Trường ĐH Tây Nguyên), hiện nay ở vùng Tây Nguyên, môi trường sản sinh và nuôi dưỡng VHNT bị tác động bởi nhiều yếu tố. Trong đó, đời sống hiện đại bị sự xâm nhập của làn sóng văn hóa ngoại lai, sự biến đổi không gian sinh tồn, phương thức mưu sinh, tác động của tín ngưỡng... đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên sự thiếu liên kết, mất cân bằng của các hoạt động VHNT dân tộc trong đời sống xã hội.
Ở phạm vi nhà trường, công tác giáo dục VHNT dân tộc đã được chú trọng và có nhiều khởi sắc. Đáng chú ý là các trường PTDT nội trú tổ chức nhiều hoạt động như: Biểu diễn trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống; giới thiệu văn hóa ẩm thực, văn hóa kiến trúc nhà ở... Một số trường còn tổ chức cho HSSV giao lưu, tiếp xúc với các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, hát kể sử thi, dệt thổ cẩm; tham gia các lễ hội; tham quan bảo tàng, các công trình kiến trúc dân tộc...
“Với cách nhìn chủ quan, chúng tôi nhận thấy bên cạnh kết quả đã đạt được thì vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Các hình thức biểu diễn nghệ thuật sân khấu trong nhà trường thiên về hát múa hiện đại, mất cân bằng hoặc thiếu hẳn mảng hát múa dân tộc. Đạo diễn nghệ thuật múa hát truyền thống ngày càng ít và kiến thức am hiểu cũng chưa sâu. Vì thế, hiện tượng phổ biến là diễn viên mặc trang phục thổ cẩm mà động tác múa, lời hát thì hiện đại khiến không ít khán giả chưa bằng lòng. Bên cạnh đó, nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ truyền thống, hát kể sử thi, dẫn ca; các ca sĩ, diễn viên múa, người sáng tác thơ văn... là đồng bào dân tộc ngày càng ít và hoạt động không chuyên. Đây là yếu tố trực tiếp làm mai một nền VHNT dân tộc, là nguyên nhân dẫn đến giáo dục VHNT chỉ phát triển bề rộng, bề nổi mà thiếu chiều sâu”, TS Tuần tâm tư.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định, giáo dục nghệ thuật được coi như một trong những phương thức thúc đẩy phát triển vốn văn hóa hữu hiệu. “Giáo dục nghệ thuật khác với thưởng thức nghệ thuật đại trà, nó đòi hỏi định hướng nâng cao vốn văn hóa của người tiếp nhận, và do vậy, vai trò của những nhà chuyên môn, nghệ nhân và giới truyền thông là hết sức quan trọng. Năng lực cảm thụ nghệ thuật có giá trị thúc đẩy năng lực cảm xúc, tư duy, nhờ vậy cá thể tự thân có thể phát triển năng lực học tập suốt đời - yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng và phát triển vốn văn hóa cá nhân”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.
Mong chờ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
Nghiên cứu về định hướng giáo dục VHNT dân tộc ít người trong nhà trường tại các địa phương ở Việt Nam, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) bày tỏ: Nhìn trên tổng thể, giáo dục VHNT trong nhà trường sẽ ngày càng được quan tâm đẩy mạnh trên quy mô toàn quốc nói chung và ở từng địa phương nói riêng. “Giáo dục VHNT dân tộc ít người ngoài nhà trường mang tính chất giáo dục xã hội, do vậy bên cạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước, nó còn được quyết định bởi tính chất “xã hội hóa” cao hơn so với giáo dục trong nhà trường... Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội”, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng minh chứng, trong Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 của Chính phủ đã có nội dung đề ra các chỉ tiêu cụ thể: “80% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Nghệ thuật, phòng tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa địa phương…” và “100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa”.
Theo TS Trương Thông Tuần, để đưa hoạt động VHNT vào trong học đường mà trước hết là loại hình âm nhạc và múa dân tộc, nhà trường cần phối hợp với ngành văn hóa địa phương để thành lập, khôi phục đội cồng chiêng, CLB múa hát dân tộc; tổ chức truyền dạy thường xuyên, có bài bản, nhằm đào tạo lớp trẻ hiểu biết và có khả năng sáng tạo VHNT truyền thống của dân tộc mình.
Còn TS Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng, mỗi nhà trường phải xác định được hệ giá trị văn hóa cốt lõi, đặc trưng để xây dựng và phát triển trở thành hệ giá trị xuyên suốt. Đồng thời, phát huy truyền thống văn hóa tích cực ở địa phương để tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn, thân thiện. “Tận dụng sự ủng hộ của các nghệ sĩ, nghệ nhân trong biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, trong dạy học các môn âm nhạc, mỹ thuật và giáo dục di sản. Tạo điều kiện cho học sinh được tham quan, học tập tại bảo tàng, di tích lịch sử, cung cấp các nguồn tư liệu để giáo viên có cơ hội được tiếp cận và sử dụng trong giảng dạy có hiệu quả”, TS Hiệp bày tỏ.