(CMO) “Tỉnh cam kết sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ để chủ đề tài tiếp tục có điều kiện thuận lợi nhất trong triển khai thực hiện thời gian tới cũng như các dự án thí điểm khác. Qua đó để có thể tìm ra giải pháp mới với suất đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả và bền vững”. Đó là phát biểu của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử trong hội thảo đánh giá công trình thử nghiệm 180 m đê trụ rỗng tiêu giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển diễn ra ngày 27/10. Hội thảo có sự tham gia của GS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Viện trưởng Viện Thủy công cùng hơn 10 GS-TS và các nhà khoa học trong ngành.
Đê trụ rỗng tiêu giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển được tỉnh Cà Mau cho thử nghiệm năm 2016 với chiều dài 180 m, tại đoạn từ vàm Đá Bạc đến Kinh Mới, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Đoạn đê trụ rỗng đang thử nghiệm từ vàm Đá Bạc đến Kinh Mới, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. |
Theo đánh giá sơ bộ, do kết cấu trụ rỗng tròn nên lực tác dụng lên đê đều hướng vào tâm, giảm nhỏ lực xô ngang, từ đó sóng qua công trình có chiều cao giảm. Đồng thời, một lợi thế mà qua thời gian thử nghiệm cho thấy, đây là phương án có khả năng gây bồi phía sau nhanh, khoảng 1,5 – 2 cm/tháng. Vì thế, chỉ cần 2 năm là có thể trồng lại rừng.
Ngoài ra, loại vật liệu này có thể di chuyển sang vị trí khác khi đã tạo bãi khôi phục được rừng. Giá thành bình quân của đê trụ rỗng khoảng 18 – 19 triệu đồng/m. Tuy nhiên, GS-TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, cần có thêm nghiên cứu để khẳng định được tuổi thọ của công trình. Nếu có được kết quả cụ thể này thì việc kiêu gọi nguồn vốn từ các dự án, tổ chức sẽ thuận lợi hơn và báo cáo Chính phủ xây dựng một chương trình bảo vệ bờ biển hẳn hoi.
Các đại biểu và nhà khoa học cùng lãnh đạo tỉnh tham gia hội thảo. |
Mặc dù đã có nhiều giải pháp từ công trình đến phi công trinh, song với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở bờ biển từ Đông sang Tây đã ở mức báo động. Hiện tại, toàn tỉnh đang có trên 100/254 km bờ biển đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Kể từ năm 2007 đến nay, rừng phòng hộ ven biển bị mất khoảng 4.064 ha. Đặc biệt hơn, hiện có nhiều đoạn sạt lở rất nghiêm trọng. Cụ thể, trên bờ biển Tây có trên 4 km và bờ biển Đông cũng đang có 24,5 km đang trong mức độ sạt lở rất nguy hiểm trong tổng chiều dài sạt lở rất nguy hiểm 48 km.
Trước tình trạng sạt lở hiện nay và kết qủa bước đầu mà công trình thử nghiệm mang lại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, tình trạng sạt lở ở Cà Mau đã thật sự trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần phải nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ. Tỉnh đã có nhiều sáng tạo trong việc hạn chế sạt lở, tuy nhiên ngoài những thành công thì cũng đã có không ít thất bại. Bởi việc thực hiện thời gian qua là không trên cơ sở khoa học và toàn bộ được triển khai trong tình trạng công trình khẩn cấp. Do đó, nhiệm vụ tìm giải pháp công trình hiệu quả, suất đầu tư thấp là vô cùng quan trọng và tỉnh đang tiếp tục nỗ lực.
Đối với dự án thử nghiệm đê trụ rỗng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị chủ dự án quan tâm tìm vật liệu mới, sao cho giảm được giá thành đầu tư, vật liệu bền để sử dụng lâu dài. Đồng thời tỉnh cam kết sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ để đề tài được triển khai thuận lợi. Và chủ đề tài cũng cần phần nhóm những vấn đề mà các nhà khoa học đã đặt ra trong hội thảo nhằm hoàn thiện công trình.
Nguyễn Phú - Khánh Phương