Biểu tượng thiêng liêng
Chạy xe máy tuyến Quốc lộ 63 chừng 1 giờ hơn là tới ấp. Tôi đã liên hệ trước nội dung làm việc với Bí thư Chi bộ ấp Nguyễn Văn Hòn là tìm hiểu về nguồn gốc cây vú sữa miền Nam, nên ông liền giới thiệu tôi gặp cụ Trần Văn Minh, một người lớn tuổi và rành lịch sử địa phương. Ðưa mắt về hướng kênh Chắc Băng, ông Minh nhớ lại lời kể của cha mình ngày trước.
Rằng đất này xưa kia chỉ có lúa, sậy, cỏ dại, chưa ai lên liếp lập vườn, có ông Hai Phương từ vùng trên di cư xuống đây, trồng cây vú sữa bên bờ kênh Chắc Băng, vài năm ông nhượng phần đất cho ông Ðương. Thời đó trái vú sữa là trái quý, dành để cúng ông bà hay làm quà tặng nhau. Bà Lê Thị Sảnh (má Tư) và chồng là ông Ðỗ Văn Tố (Tư Tố) là gia đình nuôi chiến sĩ cách mạng. Nghe bộ đội kể về Cụ Hồ bôn ba năm châu bốn biển cứu nước, má vô cùng cảm phục, tôn kính Người, nghĩ phải gửi tặng Bác thứ gì quý giá của quê hương. Má kêu con gái tới vườn nhà ông Ðương bứng cây vú sữa con, cho đất vào cái bình tích nhỏ, gửi bộ đội trong đoàn tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954, mang đến tặng Bác Hồ. Cây vú sữa được đưa vào Phủ Chủ tịch, được Bác chăm sóc xanh tươi.
Không giấu được niềm tự hào, ông Minh bày tỏ, người dân xứ này hầu như đều có thể kể vanh vách chuyện về cây vú sữa miền Nam. Rồi ông Minh bảo tôi đi tham quan Bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ” như để minh chứng cho lời ông nói. Bia cách đó không xa, được tỉnh xây dựng năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc. Ðường dẫn vào bia là cây vú sữa già, phủ mát cả khoảng sân. Bọn trẻ đang vui đùa, phút chốc dừng mắt trước bia đọc lớn dòng chữ: “Má Lê Thị Sảnh, người gửi cây vú sữa miền Nam dâng tặng Bác Hồ… Cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam”.
Bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. |
Một chi tiết thật xúc động xoay quanh cây vú sữa miền Nam được nhiều người truyền tai nhau là khi đất nước hoà bình thống nhất, nhiều cây vú sữa giống của cây vú sữa miền Nam được gửi vào miền Nam..., một cây đã được chuyển về Trí Phải (nay là Trí Lực) trồng bên Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào khoảng năm 2002, để nhắc nhớ truyền thống son sắt của người Cà Mau đối với Bác, huyện Thới Bình chủ trương trồng cây vú sữa trên tuyến Quốc lộ 63 đoạn qua địa bàn Ấp 10. Từ đó, nhiều hộ dân ương trồng, đến nay địa bàn có mấy chục cây vú sữa được người dân trồng trong vườn nhà, xem như biểu tượng thiêng liêng của quê hương. Ông Nguyễn Văn Hòn cho biết: “Ở đây có cây vú sữa trên 50 năm tuổi của hộ ông Trần Từng Hậu (con liệt sĩ Trần Văn Tập). Hôm rồi có người ngả giá mua 50 triệu đồng, nhưng ông không bán”.
Với tấm lòng yêu kính Bác, việc treo ảnh Bác và thờ ảnh Bác trang trọng trong nhà không còn xa lạ đối với người dân Cà Mau, huống hồ chi ở đất này. Vừa đến nhà cựu chiến binh Lê Công Danh, tôi đã thấy trên bàn thờ Bác có đĩa trái cây, nhang khói nghi ngút. Ông Danh bộc bạch: “Hôm nay là sinh nhật lần thứ 131 của Bác, mọi năm tôi nấu mâm cơm, rồi mời đồng đội đến ôn kỷ niệm, năm nay do tình hình dịch bệnh nên đơn giản hơn”. Ông Danh đã thờ Bác được 20 năm. Cái thời nhà còn cây lá lụp xụp, ông thờ ảnh Bác Hồ bằng vải, rồi mưa dột, mối ăn mục, ông đi xin cho bằng được cái ảnh đàng hoàng để thờ trang trọng trong nhà, xem như ông bà tổ tiên mình. Mỗi khi con cháu ở xa về có bánh trái, ông Danh đều kêu mang lên cúng Bác trước. Mở tủ thờ, ông Danh lấy ra bức ảnh Bác được cất giữ cẩn thận, ông nói dành để lập bàn thờ Tổ quốc mỗi dịp Tết, bởi không có Bác làm sao chúng ta có được mùa xuân.
Tiến tới ấp NTM kiểu mẫu
Ấp 10 có vị trí đặc biệt, là ấp cửa ngõ của xã, của huyện và của tỉnh, do giáp ranh với ấp Ranh Hạt (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Ðiều đáng quý nữa là, hơn 400 hộ dân của ấp luôn đồng thuận cao và nhiệt tình hưởng ứng các phong trào cách mạng ở địa phương. Vì thế, Ấp 10 được chọn làm ấp điểm trong xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu.
Vòng quanh địa bàn, cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhà tường nối nhau, đèn chiếu sáng dần phủ khắp... |
Kinh tế chủ yếu của ấp là tôm - lúa, bà con còn trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi nâng cao thu nhập. Từ nền tảng đó, ấp đã thành lập CLB Tam nông, với 62 thành viên. Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Hòn cho biết, đã đi học tập mô hình hội quán của tỉnh Ðồng Tháp để thực hiện, song bước đầu tổ chức theo hình thức CLB, dần sẽ nâng lên. Tâm huyết trình bày với tôi về cách hoạt động của CLB, ông Hòn cho biết, hàng tháng mọi người họp mặt nhau, chia sẻ cái được, chưa được trong chuyện làm ăn. Ông đưa ra giả dụ, như cùng một diện tích đất sao hộ này thu nhập một năm 200 triệu đồng, còn hộ kia chỉ 100 triệu đồng? Kỹ thuật cải tạo vuông, chọn con giống… được đưa ra phân tích, đánh giá, bà con thấy cái hay, phù hợp với khả năng thì áp dụng theo. “Tiêu chí đặt ra là cùng nhau phát triển, nên mọi người phải thật lòng, chứ không có chuyện sợ người này trúng hơn, người kia giàu hơn”, ông Hòn khẳng định. Thiết nghĩ, phải có những cán bộ tâm huyết và nông dân hào sảng, văn minh như thế, thì nông thôn mới nhanh đổi mới.
Nông thôn kiểu mẫu sắp về với quê, nông dân xứ này mạnh dạn đầu tư sản xuất, thi đua làm giàu. Nhà anh Trương Văn Hiếu có hơn 20 công vuông, tham gia CLB Tam nông cho anh nhiều bài học hay, tôm nuôi mùa nào cũng trúng. Ðất vườn 2.000 m2, anh Hiếu nối vụ trồng rau màu. Mùa này nắng nhiều, anh xuống giống gừng, khoảng tháng 11 tới sẽ thu hoạch. Anh Hiếu phấn khởi khoe: “Tôi coi trên mạng thấy máy xới đất tiện lợi, nên đặt hàng tận Huế chuyển vào. Nếu như lúc trước cả nhà phải cuốc đất lên giồng vài ngày mới xong, thì nay chỉ một mình tôi và cái máy, làm một ngày là có thể xuống giống”. Tôi cũng biết tin, hộ của anh sắp được Phòng NN&PTNT huyện đầu tư mô hình nhà lưới để trồng rau sạch.
“Ấp này sắp xoá trắng hộ nghèo, hiện chỉ còn 4 hộ, đã được chi bộ và các ngành, đoàn thể xã, ấp phụ trách, giúp đỡ, quyết tâm đến cuối năm nay không còn hộ nghèo”, Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Hòn phấn khởi. Vòng quanh địa bàn, cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhà tường nối nhau, đèn chiếu sáng dần phủ khắp... Tôi ấn tượng và dừng lại bên hàng rào bằng cây dâm bụt được cắt tỉa hình 2 con rồng đẹp mắt. Vừa tỉa cây, ông Nguyễn Văn Tài vừa nói: “Hàng rào này trồng hơn chục năm rồi, cứ nửa tháng phải cắt tỉa một lần, chứ không là bị sâu ăn, lá không được đẹp”. Hỏi thăm mới biết, nhiều bà con đến đây xin cây giống rồi học ông Tài cách uốn tỉa, để làm đẹp cho nhà mình, xóm mình.
Sẽ mãi nhắc nhớ về một miền quê anh hùng trong kháng chiến, với những câu chuyện cảm động về cây vú sữa miền Nam, về lòng người sắt son một lòng với Bác kính yêu, với Ðảng quang vinh. Cội nguồn quý giá ấy là hành trang để đất và người Cà Mau không ngừng vươn lên cùng nhịp sống văn minh, hiện đại./.
Mộng Thường