【soi kèo liverpool tối nay】Người nuôi tôm lo vì giá
(CMO) Từ lâu, sinh kế chủ yếu của người dân huyện Ðầm Dơi gắn liền với nuôi thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm. Dịch Covid-19 xảy ra gây bất lợi cho nhiều hộ nuôi tôm.
“Giá cả tôm thương phẩm thiếu ổn định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số hộ nuôi đạt kết quả thấp. Ðáng chú ý là hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội nên sản xuất của các hộ nuôi tôm siêu thâm canh (STC) càng gặp nhiều khó khăn. Một số lý do khách quan vì giá xuống thấp, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, hộ nuôi không có lãi. Vả lại, nếu cầm chừng chờ giá thì nguồn thức ăn, thuốc men, chi phí điện nước lại tăng cao, gây hoang mang cho người nuôi tôm loại hình này”, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi Nguyễn Văn Quận cho biết.
Cầm trên tay những gói thuốc, chai thuốc dùng chữa trị cho tôm, ông Huỳnh Hoài Hận, ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, than: “Chưa bao giờ nông dân đuối sức như thế này. Tình cảnh khó khăn vô cùng khi giá tôm cứ giảm sâu mà hàng thì chật vật tìm chỗ bán, ngặt nỗi thương lái không chịu thu mua nữa. Ðặc biệt là những hộ nuôi tôm STC như chúng tôi, qua đợt này chắc đứt vốn để nuôi. Thuốc cho tôm đạt trọng lượng vậy mà tăng giá vèo vèo, hàng phải chia lại của người quen chứ đại lý đều hết sạch”.
Kinh nghiệm nuôi tôm hơn 15 năm, nên ông Hận và những hộ nuôi tôm STC khác trong vùng đều hiểu rõ thời điểm, trọng lượng, kích cỡ, giá cả ra sao để vụ nuôi tôm có lời. Hiện tại, trên 3 ha đất nông nghiệp với 7 hầm nuôi, nhưng ông chỉ chừa 2 hầm lại nuôi vì từ đầu năm đến nay giá cứ sụt nên gia đình quyết định không thả hết diện tích.
Quả thật, khi tái bùng phát dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến những tỉnh miền Tây thì điều dự đoán của ông Hận là có căn cứ. 2 hầm thả nuôi tôm STC của gia đình ông Hận hiện tại đạt 100 con/kg nhưng có dấu hiệu tôm chậm lớn, do lượng phân thuốc bổ sung cho hầm tôm bị thiếu hụt, nguồn hàng không có.
“Giãn cách xã hội, một số công ty, xí nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng dừng hoạt động, cộng thêm việc lưu thông hàng hoá gặp ảnh hưởng nên một số loại thuốc vật tư thuỷ sản không kịp về đến vùng nông thôn. Nhưng ai nuôi tôm là hiểu hết, phải quan sát con tôm từng ngày, nếu thấy con tôm xảy ra hiện tượng bất thường thì phải tìm phương án cứu nhanh chóng, tránh bị bể đầm. Giờ thuốc men khan hiếm, giá cả sụt giảm mạnh, nhiều hộ nuôi tôm rơi vào tình cảnh bán không được mà cầm cự cũng không dám”, ông Hận trần tình.
Giá tôm hiện nay có chiều hướng giảm mạnh từ khi thực hiện giãn cách xã hội, vì một số công ty, xí nghiệp chế biến dừng hoạt động, hoặc hoạt động 50% công suất, nên lượng tôm bị ứ đọng rất nhiều. Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg 100.000 đồng, loại 100 con/kg khoảng 65.000 đồng. Với giá này, nhiều hộ nuôi tôm gặp bất lợi khi thu hoạch tôm vào thời điểm này. Chưa kể vấn đề hao hụt do dịch bệnh trên tôm diễn biến khó lường, vì thời tiết, môi trường nuôi tác động xấu.
Là hộ nuôi tôm STC, đồng thời là cơ sở thu mua tôm nguyên liệu nhiều năm tại xã Tân Dân, ông Trần Văn Phước, ở ấp Tân Hiệp cũng có chung nỗi lo lắng về giá cả tôm. Ông Phước cho biết: “Bản thân tôi cũng là người nuôi tôm nên hiểu rất rõ một đầm tôm thả nuôi một vụ như thế nào mới có lời. Nghĩ coi chi phí con giống, thức ăn, thuốc men, điện nước, nhân công… mà giá tôm giảm sâu như thế thì người nuôi chắc chắn lỗ nặng. Tôi là thương lái thu mua, nhưng muốn mua một đầm tôm nhiêu tấn đều phải liên hệ cơ sở kinh doanh, chế biến hỏi xem người ta cần bao nhiêu tôm nguyên liệu để thu mua, vì hiện tại nhiều chỗ ngưng hoạt động hoặc chế biến cầm chừng”.
Là thương lái thu mua tôm nhỏ lẻ trên địa bàn xã, anh Lê Thanh Chiến, ở ấp Tân Hiệp, dù chỉ thu mua tôm quảng canh truyền thống theo con nước, nhưng tình hình giãn cách hiện nay cũng gây bất lợi trong việc buôn bán của anh. Anh Chiến chia sẻ: “Việc di chuyển mua bán cũng bất lợi vì hiện tại giá tôm loại này đang thấp. Muốn giữ mối, tôi đành kiếm lãi thấp hơn để qua giãn cách mình còn tiếp tục mua bán. Hiện tại một số nơi thu mua cũng chỉ cầm chừng nên con nước vừa rồi lượng tôm tôi bán giảm hơn phân nửa. Giờ chỉ mong sớm qua dịch bệnh để người dân nuôi tôm cũng như thương lái thu mua trở lại công việc thường ngày, vì vùng này hầu hết các gia đình đều dựa vào con tôm để sinh sống”.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi Huỳnh Nhật Trường cho biết: “Ngay từ đầu tháng 5, giá tôm nguyên liệu bắt đầu giảm, đến khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Tây, giá tôm càng giảm sâu. Vấn đề này phòng cũng đã ghi nhận phản ánh từ phía cơ sở. Lý do này xuất phát khi nhiều tỉnh, thành bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều tỉnh, thành không thể xuất bán tôm nguyên liệu, trong đó có Cà Mau. Thêm vào đó, một số cơ sở kinh doanh chế biến tôm tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động 50% công suất nên số lượng mặt hàng này giảm giá, tồn hàng là điều dễ nhận thấy. Hiện tại, phòng khuyến cáo người dân linh động mùa vụ thả nuôi, bình tĩnh, tránh thu hoạch ồ ạt, kiểm tra, quan sát môi trường nuôi thật an toàn để nuôi tôm đạt hiệu quả cao”.
Huyện Ðầm Dơi hiện có 2.079 ha nuôi tôm thâm canh, STC, với 3.031 hộ, trong đó nuôi tôm thâm canh 882 ha, 1.493 hộ, diện tích thả nuôi đạt 40%; nuôi tôm STC 1.197 ha, với 1.538 hộ, diện tích thả nuôi đạt 65%. Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 7 là 11.350 tấn, luỹ kế 69.491 tấn, đạt 63,46% (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, sản lượng tôm 6.100 tấn, luỹ kế 36.621 tấn, đạt 67% (tăng 5% so với cùng kỳ); thuỷ sản khác 3.480 tấn, luỹ kế 23.0606 tấn, đạt 58% (giảm 4,6% so với cùng kỳ). |
Hằng My