【lịch thi đấu giải ý hôm nay】Hướng đến thị trường nông sản thực phẩm sạch

Báo Cà Mau(CMO) Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng “nóng” và được người tiêu dùng rất quan tâm. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân về tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch, an toàn cũng như giải quyết đầu ra ổn định cho nông dân, Phòng Kinh tế TP Cà Mau đã xây dựng mô hình thí điểm “Cửa hàng nông sản thực phẩm sạch”. Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh, hứa hẹn đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Trưởng Phòng Kinh tế TP Cà Mau Nguyễn Thành Phương chia sẻ: “Xuất phát từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nghị quyết phát triển ngành nông nghiệp của thành phố về yêu cầu là phải làm sao giúp người nông dân có đầu ra sản phẩm ổn định, cùng với những đòi hỏi thực tế và bức bách của người tiêu dùng về nông sản sạch, an toàn, phòng đã xây dựng ý tưởng thí điểm mở cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm sạch nhằm tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng cũng như nông dân trên địa bàn”.

Địa chỉ tin cậy

Thật vậy, theo nhìn nhận chung, hiện nay đa phần nông dân chỉ dừng lại ở vấn đề sản xuất, trong khi nông sản muốn chứng nhận sạch, đủ chuẩn phải tốn kém, và nếu được chứng nhận thì giá bán ra thị trường cũng không tăng cao hơn. Thêm vào đó, hiện nay vẫn chưa có điểm giới thiệu sản phẩm sạch, vô hình chung người tiêu dùng thấy sản phẩm nào cũng như nhau.

Hầu hết nông sản thực phẩm hiện nay vẫn được bày bán tràn lan ở các chợ, chưa có điểm giới thiệu sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Phường 5, TP Cà Mau, bộc bạch: “Thực phẩm bây giờ hầu như sử dụng hoá chất nhiều lắm, bản thân cũng không phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, đâu là “bẩn”. Hiện nay chưa thấy có địa chỉ nào an toàn, tin cậy để mua, chủ yếu xuống các chợ”.

Từ những nhu cầu cấp thiết đó, sau hơn 2 tháng xây dựng, cửa hàng đã hình thành với quy mô đầu tư xây dựng mới trên diện tích 120 m2­, tổng mức đầu tư trên 600 triệu đồng, tại số 46, Lâm Thành Mậu, Phường 4, TP Cà Mau.

Mặt hàng chính trước mắt được cửa hàng kinh doanh chính là sản phẩm từ Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, đây là công ty được sản xuất với quy trình khép kín, từ chuồng trại đến tay người tiêu dùng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, dự kiến sẽ đưa vào cửa hàng những nông sản sạch đã qua được sản xuất trên địa bàn như: dưa hấu đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều dự án sắp tới như: 172 ha trồng lúa thơm ở xã Lý Văn Lâm được chứng nhận VietGAP...

Ông Phương tính toán: “Trước mắt chưa đánh giá được mức độ tiêu thụ của người tiêu dùng nên sẽ nhận ký gởi những mặt hàng: thịt, rau, củ, quả, những sản phẩm nào đủ tiêu chuẩn, có xuất xứ sẽ được đem vào bán. Và giá thành được đảm bảo sẽ thấp hơn các siêu thị và lợi nhuận chỉ ở mức độ cho phép. Tiến tới sẽ phối hợp cùng với Sở Công thương đem vào những sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu như: dưa bồn bồn của huyện Cái Nước, mật ong U Minh, cá bổi Trần Văn Thời, mắm lóc Thới Bình, cua Năm Căn, ba khía Rạch Gốc...”.

Còn nhiều lo ngại

Ông Phương cho biết, cửa hàng sẽ có thư ngõ đến tất cả tổ chức doanh nghiệp, cá nhân, nhà hàng, thậm chí trường học, giới thiệu về sản phẩm sạch của cửa hàng. Nếu đạt hiệu quả, mô hình này sẽ được tiếp tục nhân rộng trong hộ kinh doanh, không độc quyền thị trường. Xem đây là mô hình thí điểm và bất cứ xã, phường nào cũng có thể thực hiện. Bởi chủ yếu mục tiêu hướng đến chính là làm thế nào người nông dân sản xuất ra có nơi tiêu thụ và người tiêu dùng an tâm với sản phẩm sạch. Với sự chuẩn bị chu đáo, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tin tưởng rằng mô hình này sẽ phát triển tốt.

Tuy nhiên, hiện cửa hàng đang vấp phải một số phản ứng của các tiểu thương, họ tỏ ra không đồng tình và cho rằng việc kinh doanh cửa hàng sẽ khiến cho việc buôn bán nhiều năm nay của họ bị giảm sút.

Cô Phượng, tiểu thương kinh doanh trứng ở chợ Phường 4, TP Cà Mau, nói với vẻ mặt không vui: “Hơn 20 năm nay đã buôn bán, sinh sống bằng nghề này, giờ cửa hàng nông sản sạch mở cửa, chắc chắn người mua ở đây sẽ giảm xuống”.

Đó cũng là nỗi lo chung của hầu hết bà con tiểu thương đang buôn bán tại chợ Phường 4. Nhìn ở góc độ cạnh tranh có thể chia sẻ với họ, nhưng với cách nhìn khách quan, tổng thể thì ý thức về sản phẩm sạch và một nền nông nghiệp hiện đại bền vững với họ vẫn chưa cao.“Phòng Kinh tế phối hợp với UBND Phường 4 đang tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân về lợi ích của việc kinh doanh sản phẩm sạch và hướng tới sẽ tiếp tục triển khai theo dự kiến”, ông Phương thông tin thêm./.

Hồng Nhung