Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, tại Điều 41 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 quy định: “người nộp thuế phải nộp số tiền thuế ấn định theo thông báo của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp không đồng ý với số thuế do cơ quan quản lý thuế ấn định thì người nộp thuế vẫn phải nộp số thuế đó, đồng thời có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích hoặc khiếu nại, khởi kiện về việc ấn định thuế.”
Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 48 Luật này cũng quy định: “trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế về số thuế do cơ quan quản lý thuế tính hoặc ấn định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế đó, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyết định ấn định thuế, quyết định ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế”.
Cùng với đó, khoản 1 Điều 92 của Luật này cũng quy định một trong các trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế thực hiện theo quy định tại Điều 93. Các biện pháp cưỡng chế chỉ chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế, tiền phạt được nộp đủ vào NSNN.
Vì vậy, theo các quy định trên, trường hợp Công ty Interserco đang có nợ thuế quá hạn 90 ngày nên Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản theo đúng quy định.