(CMO) Theo quy định, đến ngày 15/9/2018, tất cả tàu cá có chiều dài trên 15 m và đã vi phạm vùng biển nước ngoài bị nhắc nhở hoặc xử phạt, phải thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát, số còn lại đến ngày 31/12/2018 phải thực hiện xong việc lắp đặt thiết bị giám sát. Tuy nhiên đến nay, kết thúc giai đoạn 1, giai đoạn 2 sắp hết thời gian, nhưng trong tổng số 109 phương tiện của huyện phải lắp đặt thiết bị hành trình tại Ngọc Hiển chỉ duy nhất 1 phương tiện được lắp đặt.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát sẽ giúp chủ phương tiện theo dõi được hướng đi, toạ độ khai thác, trong trường hợp phương tiện đánh bắt gần khu vực biên giới biển của nước ngoài sẽ được nhắc nhở quay về.
Đồn Biên phòng Rạch Gốc tuyên truyền chủ phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát. |
Ông Lâm Quốc Sự, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển là người tiên phong lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá cho phương tiện của mình. Ông Sự chia sẻ: “Trước đây, việc đánh bắt thuỷ sản tôi đều giao phó cho tài công, hầu như việc thông tin với ngư phủ, tài công chủ yếu qua sóng di động. Từ đó, tôi không thể hình dung được phương tiện đánh bắt ở địa phận, vùng biển, toạ độ ra sao. Nhưng từ khi lắp đặt thiết bị hành trình nghề cá, tôi đã quan sát và biết được đường đi phương tiện của mình, nhờ đó giúp tôi quản lý phương tiện chặt chẽ hơn, không để xảy ra tình trạng phương tiện đánh bắt sang địa phận vùng biển nước ngoài".
Tuy vậy, với mức giá trên 20 triệu đồng cho 1 thiết bị hành trình cũng gây khó khăn cho nhiều hộ, nhất là những hộ có nhiều phương tiện. Ông Từ Minh Trí, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc có 5 phương tiện khai thác thuỷ sản nằm trong diện lắp đặt thiết bị hành trình. Do điều kiện kinh tế nên đến nay gia đình chưa thể lắp đặt. Ông Trí chia sẻ: “Chủ trương lắp đặt thiết bị hành trình cho tàu cá tôi thấy rất phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho ngành chuyên môn quản lý được vùng đánh bắt thuỷ sản, quản lý được phương tiện, hạn chế tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi có thời tiết xấu, áp thấp nhiệt đới xảy ra, kịp thời thông báo cho ngư phủ điều khiển phương tiện tìm nơi tránh trú an toàn. Hiện nay, phần lớn việc đánh bắt thuỷ sản của ngư dân huyện Ngọc Hiển lãi không cao, nếu lắp đặt mỗi tàu 1 thiết bị 20 triệu đồng, chủ phương tiện phải trả cùng lúc, gia đình tôi không thể đáp ứng. Mong Nhà nước có chính sách gia hạn, tăng thêm thời gian và hỗ trợ vốn cho ngư dân”.
Cũng theo ông Từ Minh Trí, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ vốn lắp đặt thiết bị cho tàu cá, các nhà mạng có thể xem xét lại giá cước dịch vụ trong quá trình sử dụng thiết bị, có thể chia thành những khoản tiền nhỏ để trả dần nhằm giảm áp lực về kinh tế cho Nhân dân. Mỗi phương tiện khai thác sẽ cam kết thực hiện việc trả vốn theo quy định, hàng tháng, quý…
Để giúp ngư phủ hiểu được tầm quan trọng về ngư trường đánh bắt, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, hiện nay, các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đang tăng cường tuyên truyền đến các chủ phương tiện khai thác thuỷ sản. Thiếu tá Đỗ Văn Chính, Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Rạch Gốc, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tuyên truyền cho gần 100 phương tiện, 50 chủ tàu cá làm cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Nói rõ về vai trò, tầm quan trọng của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá đánh bắt trên biển theo quy định. Khi thời gian lắp đặt thiết bị kết thúc, chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, theo sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng ngành chuyên môn tỉnh, nếu các phương tiện không chấp hành, chúng tôi kiên quyết không cho ra khơi đánh bắt thuỷ sản".
"Trước yêu cầu cấp thiết của việc trang bị hệ thống thông tin giám sát và quản lý tàu cá nhằm thuyết phục EC rút thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam cũng như thực thi Luật Thuỷ sản, huyện Ngọc Hiển tăng cường các giải pháp tuyên truyền để các chủ phương tiện thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền lợi khai thác trên biển của chủ phương tiện và giúp ngành chuyên môn quản lý tàu cá chăt chẽ hơn", Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến thông tin./.
Chí Hiểu