Theo đó, Bộ sẽ rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung qui định phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Nhiều DN có hành vi trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế
Theo Bộ Tài chính, thực hiện cải cách thuế, nhiều chính sách thuế, quản lý thuế đã liên quan đến công tác hoàn thuế GTGT đã được ban hành, sửa đổi bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT).
Tại Thông tư 28/2011/TT-BTC ngày 28-2-2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý thuế đã có 11 trường hợp DN được hoàn thuế; nhưng có đến 8 trường hợp liên quan đến thuế GTGT như: Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, mới thành lập từ dự án đầu tư, Cơ sở kinh doanh quyết toán thuế khi chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; giao, bán, khoán, cho thuê DN Nhà nước có số thuế GTGT đầu vào chưa đuợc khấu trừ hết hoặc có số thuế GTGT nộp thừa. Chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo. Cơ sở kinh doanh có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật...
Việc thực hiện hoàn thuế cho các trường hợp trên đã góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, khuyến khích mạnh mẽ cho việc sản xuất hàng hoá, tạo công ăn việc làm cho người lao động dẫn tới tăng thu cho NSNN.
Đối tượng được hoàn thuế còn lại là hoàn số thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp (hầu hết các khoản thuế), hoàn phí xăng dầu (khi XK xăng dầu), hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân).
Trong năm 2009, đã có 24.224 hồ sơ xin hoàn thuế, với tổng số thuế đã hoàn là 38.032 tỷ đồng, trong đó riêng thuế GTGT là 37.706 tỷ đồng; Năm 2010, số hồ sơ xin hoàn thuế tăng lên 32.353 hồ sơ, với tổng số thuế đã hoàn là 51.438 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT là 50.777 tỷ đồng; Năm 2011, đã có 27.022 hồ sơ xin hoàn thuế, với số tiền thuế được hoàn là 78.503 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT là 77.641 tỷ đồng. |
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện các quy định về hoàn thuế GTGT đã bộc lộ một số tồn tại vì cơ chế, chính sách hoàn thuế GTGT ban hành đã lâu (năm 2008) không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Mặt khác, về phía cơ quan Thuế việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhiều khi còn chậm so với thời hạn qui định, việc thanh, kiểm tra sau hoàn của các cục thuế chưa được quan tâm nên tỷ lệ kiểm tra sau hoàn đạt thấp.
Bên cạnh đó, một số NNT có hành vi lợi dụng trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của NSNN với con số lên tới hàng tỷ đồng như: thông qua kê khai sai thuế GTGT đầu ra, khấu trừ sai thuế GTGT đầu vào, lập hồ sơ khống xin hoàn thuế, hợp đồng XK được chỉnh sửa nhiều lần thông qua các phụ lục, XK hàng hoá với giá bán thấp hơn giá vốn, đề nghị hoàn thuế đối với cả phần giá trị tài sản ngoài dự án chuyển nhượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kê khai doanh thu, thuế đầu ra không đúng kỳ phát sinh, kê khai trùng hoá đơn, phân bổ thuế đầu vào cho hàng hoá chịu thuế không hợp lý, kê khai thiếu doanh thu hoặc sai thuế suất, kỳ đề nghị hoàn thuế dài (có trường hợp vài năm).
Theo Bộ Tài chính, hiện mức độ gian lận trong hoàn thuế chủ yếu tập trung vào NNT là các DN (bởi trong 8 trường hợp hoàn thuế GTGT thì chỉ có 1 trường hợp hoàn thuế GTGT cho cá nhân là đối tượng hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao). Do vậy, cần tiến hành rà soát tổng thể việc hoàn thuế GTGT cho DN để chống thất thu thuế cho NSNN.
Kiểm soát chặt nhưng vẫn phải tạo thuận lợi cho NNT
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng Đề án Hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát hoàn thuế GTGT đối với DN nhằm mục tiêu tổng kết, đánh giá trên cơ sở tạo thuận lợi nhất cho NNT và đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong công tác hoàn thuế GTGT có hiệu quả.
Qua đó, sẽ tìm ra những tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách, qui trình, thủ tục hoàn thuế, quản lý, kiểm tra, giám sát của các bộ phận của cơ quan Thuế trong công tác hoàn thuế GTGT như: Luật Thuế GTGT 2008, Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 8-12-2008 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT; Nghị định 121/2011/NĐ-CP ngày 27-12-2011 của Chính phủ về hướng dẫn một số qui định sửa đổi, bổ sung của Luật Thuế GTGT; Thông tư 94/2010/TT-BTC ngày 1-7-2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá XK, Thông tư 47/2011/TT-BTC và Thông tư 123/2007/TT-BTC hướng dẫn hoàn thuế GTGT đối sản xuất kinh doanh điện, chính sách thuế và ưu đãi thuế đối công trình, dự án sử dụng vốn ODA...
Đồng thời, xem xét các đề xuất, kiến nghị của Cục Thuế địa phương đặc thù, có số DN xin hoàn thuế lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương...; Công tác phối hợp giữa cơ quan Thuế với các cơ quan có liên quan trong công tác hoàn thuế GTGT; Cơ chế điều tiết thu ngân sách và thu- chi Quỹ hoàn thuế GTGT.
Đặc biệt, việc rà soát và kiến nghị cơ chế chính sách hoàn thuế GTGT ở Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về qui trình, thủ tục thực hiện công tác hoàn thuế GTGT đối với DN, công tác quản lý thuế, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ thanh, kiểm tra việc hoàn thuế của DN... để có cơ sở đưa ra những qui định phù hợp có thể áp dụng trong quản lý thuế đối với Việt Nam.
T.Hằng