Từ lâu nước mía đã trở thành thức uống giải khát quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong những ly nước giải khát được quảng cáo “siêu sạch” này là điều rất đáng lưu tâm.
Nước mía “siêu sạch” có khả năng nhiễm vi khuẩn Ecoli từ không khí
Hiện nay người dân đã quen với loại nước mía “siêu sạch” trên khắp các ngả đường, góc phố. Trước đây, để cho ra được một ly nước mía, người bán thường sử dụng máy ép nước mía thiết kế để lộ bộ phận ép. Tuy nhiên, vì những chiếc máy ép mía đời cũ cồng kềnh và hao điện nên hầu hết các quán nước mía đã chuyển sang sử dụng loại máy ép tiên tiến hơn, được gọi là máy ép nước mía “siêu sạch”. Theo anh Lý, nhân viên một cơ sở chuyên đóng xe nước mía “siêu sạch” trên đại lộ Bình Dương (TX.Thuận An), quảng cáo: “Sử dụng máy nước mía siêu sạch rất tiện lợi, vừa nhanh gọn lại vừa tiết kiệm điện, ép một lần là vắt được hết nước trong cây mía, vừa đỡ nguy hiểm và đặc biệt là thiết kế che kín để khách hàng không nhìn thấy được bộ phận bên trong”.
“Do các loại máy cũ trước đây không hề có phần này nên người bán quên vệ sinh một tí là khách hàng sẽ nhìn thấy ngay. Còn với loại siêu sạch được thiết kế kín đáo, che hết toàn bộ lốc máy, rủi bên trong có dơ chút cũng chẳng ai thấy. Mỗi khi muốn vệ sinh máy chỉ cần xịt nước vào là xong, chẳng phải chà rửa gì cho mệt, vì có muốn cũng chẳng cách nào làm được”, anh Lý nói thêm.
Tiện lợi là thế nhưng nhắc đến nước mía “siêu sạch”, sinh viên Nguyễn Văn Hoàng vẫn còn bức xúc: “Mấy hôm trước nắng nóng, đi học về mệt, mình ghé một tiệm gần ký túc xá Đại học Quốc gia (KP.Tân Lập, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) mua nước mía uống cho mát. Mình vừa nhận ly nước mía từ bà chủ quán liền uống một ngụm cho đã cơn khát. Khi nuốt mình cảm thấy nước mía có vị chua và có mùi hôi rất khó chịu. Nhìn kỹ lại ly nước mía, mình mới tá hỏa phát hiện trong ly có vài con vật nhỏ màu trắng đục nhìn lúc nhúc như giòi, rất kinh khủng! Cầm ly nước mía mình đem ra, người bán nhìn rồi bảo không có gì đâu và lập tức đổ luôn ly nước vào sọt rác! Sau đó, mình vô tình nhìn vào tấm lưới lọc bên trong của chiếc máy ép thì phát hoảng khi thấy giòi đang bò lúc nhúc trong đó!”. Một người thợ chuyên sửa máy ép mía ở phường Dĩ An, TX.Dĩ An cho biết: “Quảng cáo là siêu sạch nhưng sạch hay không thì chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người bán mà thôi! Nhiều nơi bán đông khách mà chỉ có một cái máy sử dụng liên tục nên nhiều tháng, không chà rửa, chỉ xịt vòi nước sơ sơ là chuyện bình thường. Nhiều lúc có người mang máy đến sửa, mở ra bên trong toàn giòi sinh ra từ các bã và cặn mía tồn đọng lâu ngày. Vì vậy, tôi chẳng bao giờ dám để người nhà uống nước mía siêu sạch trên các vỉa hè”.
Cũng theo ghi nhận của P.V, hiện nay các xe nước mía “siêu sạch” mọc lên như nấm tại hầu hết các tuyến đường. Nhiều nơi phía trước xe nước mía “siêu sạch” là một đống bã mía nằm ngay miệng cống khiến ruồi nhặng bu đầy. Cạnh đó là những khúc mía đã được cạo vỏ, chặt thành từng khúc nhỏ ngâm vào những xô nước đục ngầu, có nhiều cây chuyển sang màu đỏ.
Trên thực tế, giờ đây người bán chỉ cần vài bộ bàn ghế, tấm biển quảng cáo và một máy ép “công nghệ mới” thì đã trở thành quán nước mía “siêu sạch” và cũng không bị ai quản lý, nhắc nhở. Chính vì vậy, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp rà soát, tổ chức kiểm tra chất lượng VSATTP một cách nghiêm ngặt và xử lý những trường hợp bán nước mía “siêu sạch” không bảo đảm vệ sinh, để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Trao đổi với P.V về điều kiện VSATTP của nước mía “siêu sạch”, ông Âu Văn Phương, Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế TX.Thuận An, cho biết rất khó để xác định nước mía “siêu sạch” có thật sự “siêu sạch” như quảng cáo. Vì để được tiêu chuẩn “siêu sạch”, người bán nước mía trước hết phải có tâm trong việc buôn bán, không vì lợi nhuận mà quên mất sức khỏe của người tiêu dùng. Thứ hai, người bán phải có kiến thức về VSATTP qua việc tham gia các lớp tập huấn VSATTP và khâu chế biến phải bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh như phải đeo găng tay, khoảng cách giữa nguồn gây bẩn và thực phẩm phải bảo đảm (ít nhất 20m). Còn thực phẩm (cây mía) cũng phải bảo đảm các tiêu chí VSATTP như không có vi khuẩn Ecoli, hàm lượng kim loại nặng… vượt quá quy định cho phép.
NGUYỄN HẬU