Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. Ảnh: Duy Dũng |
Thị trường đang trong giai đoạn biến động lớn
Thị trường chứng khoán trong nước đã cho thấy nhịp tăng trưởng rất tích cực trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8/2023. Dòng tiền đang có xu hướng đẩy mạnh vào thị trường trong hai tháng gần đây, giá trị giao dịch trên sàn HOSE trong tháng 7 và đầu tháng 8/2023 liên tục có nhiều phiên vượt ngưỡng 20.000 tỷ đồng. Tâm lý tích cực từ phía cả nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước đã giúp chỉ số VN-Index vượt mốc tâm lý 1.200 điểm một cách thuyết phục.
Tuy nhiên, đà tăng của thị trường có vẻ như bị “khựng” lại sau phiên giảm sâu tới hơn 55 điểm trong phiên giao dịch ngày 18/8/2023. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ tháng 5/2022. Sau phiên giảm mạnh, áp lực bán đã thu hẹp đáng kể, thậm chí chỉ số VN-Index còn có 2 phiên tăng nhẹ khi lực cầu kéo vào cuối phiên. Tuy nhiên, quan sát trong những phiên gần đây, thị trường chứng khoán đang có biên độ biến động rất mạnh. Chẳng hạn như ngày 21/8, biên độ dao động của VN-Index đạt tới 23,53 điểm; trong khi đó, ngày 22/8, chỉ số này được kéo mạnh từ mức dưới 1.150 điểm đầu phiên chiều và đi lên mức 1.180,49 điểm khi đóng cửa - mức độ dao động hơn 30 điểm.
Theo Dragon Capital, tâm lý của nhà đầu tư trong nước đang chịu tác động của từ một số yếu tố quốc tế và trong nước.
Trên thế giới, gần đây thị trường nhận thấy sự thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về lãi suất và lạm phát trong biên bản cuộc họp tháng 7/2023. Tiếp sau Moody's, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đã cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của hàng chục ngân hàng Mỹ. Trái phiếu 10 năm của Mỹ chạm 4,3%. Chính những điều này làm cho S&P 500 rớt gần 5% trong 3 tuần qua.
“Tuy nhiên, một điểm không thể phủ nhận là Fed đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt. Theo số liệu quá khứ, khi bước vào đoạn cuối của chu kỳ này, thị trường sẽ có những đợt điều chỉnh vừa phải từ 7 - 10% để phản ánh hai rủi ro: Có suy thoái không? Nếu không có suy thoái thì lãi suất cao sẽ duy trì bao lâu?” - Chuyên gia của Dragon Capital cho hay.
Ngoài ra, theo các chuyên gia này, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng được cho là một nhân tố rủi ro đối với kinh tế Mỹ và các nền kinh tế láng giềng tại châu Á của Trung Quốc.
Đối với thị trường trong nước, chuyên gia của Dragon Capital cho rằng, một số nhà đầu tư e sợ sự biến động về tỷ giá gần đây sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục nhiều phiên dẫn đến tâm lý e ngại về sự điều chỉnh mạnh. “Động thái giảm margin tại một công ty chứng khoán lớn trong những ngày gần đây có thể kích hoạt một đợt bán chốt lời trên diện rộng của nhà đầu tư” - Chuyên gia của Dragon Capital cho biết thêm.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn còn đó
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lãi suất toàn cầu có thể đã tạo đỉnh vào quý II vừa qua. Lãi suất ở Mỹ hay khu vực châu Âu đang được kỳ vọng đạt đỉnh và sẽ dần hạ nhiệt bắt đầu từ năm 2024. Động thái cắt giảm lãi suất nhằm nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế đã diễn ra tại một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Chile, Việt Nam. Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines cũng sẽ dự kiến cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023.
Ở trong nước, chính sách điều hành theo hướng nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước và các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ bao gồm: tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế giá trị gia tăng kích thích tiêu dùng nội địa, nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn trên thị trường vốn và giải quyết các vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản đã hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tích cực trong thời gian qua. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index ghi nhận mức tăng xấp xỉ 26%, là một trong số các thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á.
Cũng theo MBS, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm 20,6% so với cùng kỳ trong quý II/2023, thấp hơn so với mức giảm 26,3% ghi nhận ở quý I. Chính vì vậy, các chuyên gia này cho rằng, sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cải thiện hơn trong hai quý cuối năm dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, cũng như các yếu tố vĩ mô như: xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, chi phí lãi vay thấp.
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong trung hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Chuyên gia của của VNDIRECT đưa ra 3 yếu tố cho nhận định này, gồm: Môi trường lãi suất; Chính phủ bơm tiền thông qua các động thái đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng (giảm thuế, phí, tăng lương cơ sở…); xu hướng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong những tháng cuối năm.
Trên ước tính cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá P/E thị trường trong khoảng 14-14,5 lần. Đại diện Công ty cổ phần chứng khoán MB dự báo VN-Index hướng về vùng 1.280 - 1.320 điểm trong năm 2023. |