Yến Phi (bên trái) là người truyền cảm hứng để bà Ngọc Cẩm đến với nghề thêu
Hai chị em Yến Phi và Hoài Tâm (phường Khánh Hậu,áchkhởinghiệpcủachịemTấsói vương bất bại TP.Tân An, tỉnh Long An) được bạn bè gọi với biệt danh thân thương Tấm - Cám và đó cũng là khởi nguồn cho sự ra đời của những sản phẩm thủ công nhà TEB (Túi thêu của Tấm). 5 năm “bén duyên” nghệ thuật thêu len trên túi sợi đay - chặng đường không quá dài nhưng cũng đủ để Yến Phi và Hoài Tâm trải nghiệm những điều mình thích và đặc biệt là sống trọn với đam mê. Từng làm việc tại Viettel Long An nhưng vốn thích tự chủ về thời gian và công việc nên Yến Phi tìm đến Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thử sức với nghệ thuật handmade. Chính nhịp sống ở phố cổ đã cho Yến Phi nhiều cảm xúc và cái nhìn khác hơn về cuộc sống.
Ở Hội An, Yến Phi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tìm hiểu sâu hơn về gu thẩm mỹ và sở thích của nhiều tệp khách hàng khác nhau. Với khiếu thẩm mỹ và khả năng sáng tạo, Yến Phi cùng các bạn bắt đầu làm và bán những sản phẩm handmade.
Những ai đam mê đồ handmade sẽ nhận ra rằng sản phẩm không nằm ở giá trị mà là niềm đam mê và tình yêu. Khi khách hàng tìm thấy được sự đồng điệu của mình qua sản phẩm thì ắt hẳn sẽ chi tiền để được sở hữu.
Cửa hàng ở Hội An đang khởi sắc thì dịch Covid-19 bùng phát. Đây là bước ngoặt đối với Yến Phi khi quyết định trở về Long An và bắt đầu lại từ con số 0. Nhưng cũng chính quyết định này đã mang đến cho Yến Phi và gia đình cuộc sống mới khi được bên cạnh những người thân yêu.
Với Yến Phi và Hoài Tâm, hạnh phúc là khi làm chủ được cuộc sống, có được công việc yêu thích và sống trọn vẹn cho gia đình, mẹ cha.
Những sản phẩm túi thêu từ TEB
Nhớ lại khoảng thời gian mới về Long An, khi đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu thì cơ duyên lại đưa Yến Phi gặp được người chị có cùng niềm đam mê với đồ handmade. Vậy là, những sản phẩm đầu tay ra đời với những họa tiết len thêu trên nền túi sợi đay. Với chị em Yến Phi, mỗi tác phẩm không đơn thuần là chiếc túi mà còn chứa cả tâm huyết và tình cảm của người thêu nên chỉ những ai có cùng niềm đam mê và nhận ra được giá trị của sản phẩm thì mới tìm đến TEB.
Yến Phi nhớ lại: “Khởi đầu chẳng bao giờ là dễ dàng nhưng may mắn tôi tìm được những người có cùng đam mê và sẵn sàng sống trọn với đam mê đó. Chúng tôi cùng làm việc và cùng tạo cảm hứng cho nhau. Chỉ khi tinh thần thoải mái, chúng tôi mới có thể làm ra được những sản phẩm đẹp, ưng ý”.
TEB bắt nguồn từ ý tưởng của Yến Phi nhưng người làm nên “linh hồn” của từng sản phẩm là cậu em trai Hoài Tâm. Điểm đặc biệt của các sản phẩm là họa tiết trên túi được vẽ tay hoàn toàn chứ không scan, thế nên mỗi chiếc túi được làm nên là phiên bản độc nhất. Họa tiết thêu có thể giống nhau nhưng từng đường kim mũi chỉ, cách phối màu đều khác nhau.
Hoài Tâm chia sẻ: “Mỗi chiếc túi làm ra không đơn thuần là vật dụng cá nhân mà còn là kỷ niệm đối với người sử dụng. Từng cành hoa, họa tiết thêu theo yêu cầu đều có ý nghĩa đặc biệt riêng với khách, đó có thể là kỷ niệm về một người bạn hay một hành trình đã qua mà khách hàng muốn lưu giữ qua chiếc túi thêu. Thế nên khi tư vấn, tôi cần nhiều thời gian trò chuyện để biết được nhu cầu cũng như câu chuyện khách hàng muốn gửi gắm rồi mới tư vấn và phác họa các chi tiết. Đối với những khách hàng yêu cầu vẽ chân dung riêng, tôi cũng phải trò chuyện để phần nào hiểu được tính cách mà thể hiện cho đúng ý”.
Trong khi cậu em trai lo về thiết kế và chất lượng sản phẩm thì Yến Phi phụ trách mảng quảng bá trên các hội, nhóm. Đến nay, Yến Phi và các sản phẩm từ TEB trở nên khá quen thuộc với những tín đồ handmade trên mạng xã hội. Cũng chính từ các hội, nhóm đã mang đến cho TEB lượng khách hàng ổn định.
Những họa tiết trên túi đều được Hoài Tâm vẽ tay trước khi thêu
Thời gian làm ra một chiếc túi khá lâu, đối với những người kỹ tính như Yến Phi, Hoài Tâm thì khi thực sự hài lòng với sản phẩm mới cho ra thị trường. Với 4 thợ thêu và 1 thợ may túi, mỗi tháng, TEB chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 120 chiếc túi với giá bán dao động từ 490.000 đồng - 1 triệu đồng/chiếc.
Ngoài những chiếc túi thiết kế riêng theo yêu cầu thì phần lớn sản phẩm nhà TEB cung cấp cho các shop bán hàng lưu niệm ở Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam.
Không gian nhỏ ở ban công trước nhà được chị em “Tấm - Cám” tạo thành góc làm việc rất… thơ. Theo Yến Phi, tạo ra không gian đẹp, nên thơ như thế để kích thích sự sáng tạo của thợ thêu. Phòng thêu được trang trí từ những cành cây khô, vài chậu cây xanh, chiếc xích đu và đặc biệt là có hồ cá nhỏ,... tạo nên khung cảnh yên bình.
Mỗi sáng, sau khi làm xong việc nhà, bà Ngọc Cẩm lại đến phòng thêu. Bà là thợ thêu lớn tuổi nhất của TEB. Công việc có thể mang về nhà làm nhưng bà cứ thích đến phòng thêu để trò chuyện với các bạn trẻ. Trước đây, người phụ nữ trên 60 tuổi này chưa từng biết đến thêu tay, rồi một lần nhìn cô cháu gái Yến Phi mày mò từng nét thêu trên chiếc túi, bà cũng học theo.
Khi công việc của Yến Phi phát triển cũng là lúc bà thành thợ chính của tiệm và đồng hành cùng cô cháu gái hơn 5 năm nay.
Để hoàn thành một chiếc túi thêu phải mất từ 2-3 ngày
Dù đơn hàng ngày càng nhiều, trong đó có những đơn đặt hàng từ nước ngoài nhưng chị em Yến Phi vẫn chưa có ý định mở rộng quy mô bởi nếu sản xuất đại trà, chạy theo số lượng với nguồn nhân lực hiện có thì tiệm không đáp ứng được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Một chiếc túi được trao đến tay khách hàng là cả tâm huyết và sự nâng niu từ người làm nên. Nhìn cách Yến Phi tỉ mỉ sửa lại chiếc túi đã được khách hàng sử dụng từ lâu mới thấy được tình yêu cô dành cho từng sản phẩm của mình. Chiếc túi đó đã được bán cách đây vài năm, khi bị hỏng, khách hàng nhờ sửa lại, Yến Phi vẫn vui lòng vì theo cô: “Mỗi chiếc túi có một ý nghĩa riêng với khách hàng và khi khách nhờ sửa chắc hẳn chiếc túi đó mang một giá trị tinh thần rất lớn, có thể là gắn với một kỷ niệm”.
Con đường phía trước chưa biết sẽ thành công hay thất bại nhưng với những gì đang có ở hiện tại, Yến Phi và Hoài Tâm hài lòng với sự lựa chọn của mình. Ai cũng có con đường riêng để khởi nghiệp, với chị em “Tấm - Cám”, con đường đó bắt nguồn từ niềm đam mê./.
Tâm An