Qua đó nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sự vào cuộc, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; coi việc công đức, tài trợ cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và hoạt động lễ hội là nét đẹp văn hoá.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Thông tư số 04 của Bộ Tài chính.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các quy định tại Nghị định số 110 của Chính phủ; Thông tư số 04 của Bộ Tài chính.
Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện trao trực tiếp cho người đại diện di tích tại bàn ghi công đức, đặt vào hòm công đức hoặc chuyển vào tài khoản của cơ sở di tích; không đặt tiền trên bàn thờ, mâm lễ, rải, rắc tiền lẻ ở gốc cây, khe cửa sổ…
Người đại diện hoặc Ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu chi đảm bảo công khai, minh bạch; tổ chức tiến hành kiểm đếm tiền tài trợ, công đức thường xuyên, định kỳ; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận,...
Giữ gìn nơi thờ tự trang nghiêm, thanh tịnh để phục vụ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và du khách. Khuyến khích việc lắp đặt camera giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng tiền công đức, tài trợ, xem đây là nhiệm vụ, là văn hoá ứng xử của người đại diện hoặc BQL di tích trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hoá đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng,…
Như Văn Hóađã thông tin, tháng 1.2024, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quyết định số 162 phê duyệt kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh này, thời kỳ kiểm tra trong năm 2023.
Có 14 di tích thuộc danh mục kiểm tra theo kế hoạch, trong đó, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích lịch sử, 7 di tích kiến trúc nghệ thuật, 1 di tích khảo cổ, 1 danh lam thắng cảnh. Theo số liệu kiểm tra, năm 2023, các di tích trên địa bàn tỉnh thu 4,53 tỉ đồng tiền công đức, tài trợ. Con số này không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật (trừ vàng, bạc, kim khí quý, đá quý), công trình xây dựng và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.
Tổng số chi tiền công đức là 3,43 tỉ đồng; trong đó chi hoạt động lễ hội 1,41 tỉ đồng, chi tu bổ tôn tạo di tích 810 triệu đồng, chi hoạt động quản lý 702 triệu đồng...
Được biết, Quảng Nam hiện có 458 di tích được xếp hạng; trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 64 di tích cấp quốc gia và 390 di tích cấp tỉnh.