Tạo môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp quảng cáo trong nước và nước ngoài Tán thành tăng diện tích quảng cáo giúp cơ quan báo chí tự chủ tốt hơn |
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy. |
PV: Thưa đại biểu, tại buổi thảo luận chiều nay, vấn đề quảng cáo trên môi trường số, trên truyền hình hay trên các báo và trách nhiệm của người truyền tải quảng cáo đã được các đại biểu Quốc hội đề cập rất nhiều. Trước tình hình thực tế hiện nay, đại biểu đánh giá như thế nào về điểm mới này?
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Luật Quảng cáo đã được ban hành hơn 10 năm. Đến nay, các nội dung quy định trong Luật Quảng cáo đã lạc hậu và không còn phù hợp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi công nghệ số và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng rất nhanh trên lĩnh vực này. Bối cảnh đó đặt ra vấn đề phải sửa đổi Luật Quảng cáo.
Bên cạnh đó, một số luật liên quan đến lĩnh vực quảng cáo, kể cả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng đã được sửa đổi. Nếu như giai đoạn này chúng ta không sửa đổi Luật Quảng cáo, thì sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế. Đáng lý, việc sửa đổi này nên làm sớm hơn một chút nữa để thúc đẩy sự phát triển quảng cáo một cách chặt chẽ, đầy đủ và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa |
PV:Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật là làm rõ vai trò, trách nhiệm của các nhà quảng cáo trên nền tảng số, đồng thời quy định trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo. Quan điểm của đại biểu về nội dung này ra sao?
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Trong nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về Luật Quảng cáo lần này, nội dung liên quan đến người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được dư luận rất quan tâm và tôi cũng đánh giá rất cao.
Đề xuất được cơ quan soạn thảo đưa ra khá chặt chẽ và phù hợp. Trong đó có việc nâng cao trách nhiệm, vai trò của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Cụ thể là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội.
Một trong những điểm đổi mới của dự Luật này là việc hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. |
Có hai điểm sửa đổi mà người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải hết sức lưu ý. Một là họ sẽ chịu trách nhiệm liên đới đối với các cái nội dung quảng cáo không đảm bảo theo quy định của Luật.
Hai là trong trường hợp họ quảng cáo trên môi trường mạng xã hội cùng với các nội dung hoạt động khác thì phải có dấu hiệu nhận biết, hoặc có sử dụng các tính năng mạng xã hội cung cấp để giúp cho người dùng phân biệt được nội dung họ quảng cáo với các nội dung chia sẻ thông tin thông thường khác.
PV:Với báo chí truyền thống như báo in, báo điện tử, truyền hình thì sao? Trong phần thảo luận, chính bà cũng có nêu một số vấn đề về diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về ý kiến này?
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy: Cá nhân tôi đồng ý với việc tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo in, báo hình... Tuy nhiên, tăng như thế nào là hợp lý thì cần xem xét kỹ lưỡng và có tính đến đối tượng sử dụng dịch vụ.
Ví dụ trên báo in, người sử dụng có thể không đọc những trang quảng cáo thì lướt qua, nhưng trên truyền hình thì khán giả buộc phải xem và không có tính năng bỏ qua quảng cáo như trên mạng xã hội.
Như vậy, buộc chúng ta phải hết sức cân nhắc về thời lượng quảng cáo như thế nào cho phù hợp nội dung để vừa giúp cho các đơn vị như đài truyền hình, các cơ quan báo chí có thể tự chủ tài chính, nhưng cũng phục vụ tốt cho người dùng.
Tôi cho rằng cần có sự khảo sát, đánh giá của người dùng đối với các dịch vụ quảng cáo hiện nay của các kênh như truyền hình, hoặc các kênh báo chí để có phương án.
PV: Xin cảm ơn đại biểu!
Nâng mức phạt với quảng cáo sai sự thật lên 2-3 lần Hiện nay, nhiều nội dung quảng cáo trực tuyến đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật, hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp. Cục An toàn thông tin ghi nhận hơn 500.000 lượt quảng cáo vi phạm chỉ trong năm 2023. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến. Để ngăn chặn thực trạng trên, một số đại biểu Quốc hội đề xuất cần quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo. Đồng thời cần nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được, tương đương với các tiêu chuẩn tại EU hoặc Mỹ; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để tăng tính răn đe. |