【mainz đấu với wolfsburg】Phát huy lợi thế thu hút đầu tư

Bài 5 Liên kết vùng, sức bật thu hút đầu tư.mp3

Bài 5:Liên kết vùng, sức bật thu hút đầu tư

Xóa rào cản địa lý, nâng tầm liên kết vùng để tận dụng lợi thế của nhau sẽ là bệ phóng tăng sức hấp dẫn của các địa phương với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khơi thông dòng vốn đầu tư “chảy mạnh” về ĐBSCL.

Nhiều doanh nghiệp FDI lớn chọn Hậu Giang để làm điểm dừng chân.

Cần có cách tiếp cận mới

“So với các vùng miền, các địa phương khác thì thương hiệu ĐBSCL khá mờ nhạt, từng địa phương chưa rõ nét”, là đánh giá của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL. Theo ông Lam, nguồn vốn, nguồn lực từ Trung ương đổ về cho ĐBSCL giai đoạn hiện nay rất lớn, là cơ hội để vùng chuyển mình. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài và nguồn vốn khu vực tư nhân vào vùng ĐBSCL đang giảm nhiều. Vì vậy, cần phải có lộ trình, cách tiếp cận để giải ngân phục vụ cho phát triển.

“Hiện nay, những phân tích thấy rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hay các doanh nghiệp ở các vùng miền khác để đầu tư vào ĐBSCL trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản hay sản xuất thì họ cần về logistics. Chúng ta giải quyết câu chuyện này thì tính hấp dẫn của ĐBSCL sẽ rõ nét. Môi trường kinh doanh và đầu tư cần phải được cải thiện liên tục và mạnh mẽ nhằm tạo ra một môi trường tốt hơn, hấp dẫn hơn, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp phát triển. Quảng bá, xúc tiến phải được đẩy mạnh”, ông Nguyễn Phương Lam đánh giá.

Theo ông Lam, trong giai đoạn ngắn hạn các địa phương vùng ĐBSCL cần ưu tiên giải ngân được vốn đầu tư công, đây là nguồn vốn quan trọng trong ngắn hạn. Về dài hạn cần phải khai thác và quan tâm đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và vốn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, muốn thu hút được nguồn vốn này cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thể hiện được tính hiệu quả của các dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế, xã hội thành phố Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

“Các lĩnh vực giúp cho ĐBSCL có động lực tăng trưởng mới. Thứ nhất là hành lang pháp lý, các hỗ trợ về thủ tục hành chính cho việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực khu công nghiệp, lĩnh vực logistics, lĩnh vực năng lượng sạch và lĩnh vực về kinh tế số. Tôi nghĩ 4 lĩnh vực này sẽ mở ra triển vọng phát triển cho khu vực ĐBSCL”, ông Nguyễn Khánh Tùng nêu rõ.

Còn tại Hậu Giang, tỉnh tập trung đầu tư các hạ tầng kỹ thuật để kết nối đồng bộ với các dự án trong đó kể cả đường, điện, nước, viễn thông và nguồn lao động. Tỉnh cũng ký kết với doanh nghiệp để họ cam kết nguồn vốn cho vay khi doanh nghiệp đến đầu tư vào Hậu Giang. Thực hiện tốt cam kết của tỉnh “2 nhanh, 3 tốt”. Đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, đi ngay vào doanh nghiệp muốn mà tỉnh đầu tư. Lãnh đạo tỉnh sẽ đăng ký làm việc và xúc tiến với từng tập đoàn, từng doanh nghiệp.

Ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, chia sẻ: ĐBSCL muốn thu hút được đầu tư, phải đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Bằng cách đưa ra những ý tưởng khởi nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, có nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau dịch Covid-19 rất nhiều doanh nghiệp mất đi, chúng ta kêu gọi lại, hỗ trợ vốn cho họ. Doanh nghiệp rút khỏi thị trường do khó khăn về nguồn vốn, khó khăn về đơn hàng thì kêu gọi họ trở lại bằng các chính sách hỗ trợ phù hợp...

Chăm sóc khách hàng tại chỗ

Theo ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Cần Thơ, muốn thu hút đầu tư, hạ tầng ĐBSCL phải hoàn thiện đến chân công trình, không chỉ hạ tầng giao thông mà còn phải chỉn chu cả hạ tầng xã hội. Ngoài ra, xây dựng cơ chế, khung pháp lý cho khu công nghiệp, khu kinh tế để nhà đầu tư an tâm đầu tư. Hiện nay giảm thuế, miễn thuế không còn hấp dẫn nhà đầu tư nhiều như trước nữa, mà điều các nhà đầu tư cần là thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh và minh bạch. Có cơ chế giám sát để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư; có “luồng xanh” trong khu công nghiệp, khu kinh tế đối với các doanh nghiệp thu hút đầu tư như lĩnh vực chip bán dẫn, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao…

Long An là một trong những địa phương làm khá tốt công tác thu hút đầu tư thời gian qua tại ĐBSCL. Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương, ông Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, cho rằng có 3 điều quan trọng. Thứ nhất, làm tốt công tác quy hoạch. Thứ hai đầu tư hạ tầng. Thứ ba là đầu tư nguồn nhân lực. Đặc biệt là làm tốt công tác đối thoại doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp, kịp thời chăm sóc khách hàng, đặc biệt là những khách hàng nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc…

“Họ đến đầu tư, mình phải chăm sóc, giải quyết những vấn đề khó khăn của họ. Chính cái đó tạo niềm tin cho họ khi đến đầu tư tại Long An. Ngoài chuyện đi xúc tiến đầu tư nước ngoài thì việc chăm sóc khách hàng tại chỗ là ưu tiên hàng đầu để họ quảng bá cho địa phương”, ông Trần Văn Tươi chỉ rõ.

Theo ông Tươi, việc địa phương đầu tư hạ tầng kết nối với hạ tầng quốc gia mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, đặc biệt chú trọng khâu “chăm sóc khách hàng” là nhà đầu tư tại chỗ. Chính những doanh nghiệp này là kênh quảng bá uy tín, hiệu quả nhất, yếu tố cộng hưởng lại để cho nhà đầu tư mới đến đầu tư.

“Nâng chỉ số PCI, nhìn vào chỉ số này thì các nhà đầu tư cho rằng địa phương làm rất tốt việc chăm sóc khách hàng gồm có các chỉ số như: Tiếp cận đất đai, làm tốt quy hoạch, tính năng động lãnh đạo, tính pháp lý, đối thoại doanh nghiệp… những cái đó góp phần cho doanh nghiệp an tâm đến đầu tư”, ông Tươi chia sẻ thêm.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, hiện tỉnh vẫn duy trì số lượng lao động tại địa phương, thậm chí thu hút lao động ở các địa phương khác của ĐBSCL về. Địa phương quy hoạch tới 16.422ha đất công nghiệp và đã lấp đầy 6.000ha. Đồng thời, tỉnh đang có chương trình phát triển nhà cho người lao động, trong điều kiện chưa phát triển kịp thì một số doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến chuyện này, trước mắt họ hỗ trợ tiền nhà trọ để giữ chân người lao động.

MỘNG TOÀN