Với tổng diện tích trưng bày lên đến 12.000 m2, sự kiện quy tụ 425 doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với sự góp mặt của 11 nhóm gian hàng quốc tế - đánh dấu chặng đường 15 năm thành lập và phát triển của thương hiệu triển lãm MTA VIETNAM.
Trong đó, Đài Loan dẫn đầu về diện tích trưng bày với 1.089 m2, bao gồm 69 gian hàng của 10 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất máy công cụ cơ khí chính xác của Đài Loan. Các doanh nghiệp sẽ giới thiệu đến thị trường Việt Nam những loại máy hiện đại nhất hiện nay, sẵn sang cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu thế chủ đạo là sản xuất thông minh.
Khu vực trưng bày của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng thu hút 29 doanh nghiệp tham gia với diện tích 270 m2. Các sản phẩm được giới thiệu tại triển làm rất phong phú, từ các loại máy công nghiệp như máy cắt, máy tạo hình kim loại đến các loại công cụ, thiết bị bảo trì, linh kiện phụ tùng, dụng cụ kiểm tra... Ngoài ra, triển lãm còn có những sản phẩm lần đầu có mặt như máy in 3D để phát triển sản phẩm bằng dữ liệu CAD, hay thiết bị giám sát trọng lượng...
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan (TAITRA) đã tổ chức một buổi hội thảo mang tên “Máy công cụ Đài Loan – Mũi nhọn Thế giới”. Hội thảo đã tập trung giới thiệu và cập nhật các thương hiệu máy công cụ Đài Loan đến thị trường Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước giao lưu, học hỏi và cập nhật công nghệ. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đài Loan mở rộng thị phần và thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng mới. Hội thảo cũng sẽ giúp các nhà sản xuất Việt Nam đến gần hơn với Đài Loan, từ đó góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế và cải thiện thương mại song phương giữa hai nước.
Theo số liệu từ Văn phòng Văn hoá và kinh tế Đài Bắc tại TP. HCM, giao thương Việt Nam - Đài Loan đã đạt 12 tỷ USD trong năm 2016, xếp thứ 5 trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2017, Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Đài Loan cũng xếp thứ 4 trong số những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 32 tỷ USD từ năm 1990-2016. Hiện có trên 4.000 doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực: may mặc, cơ khí chính xác, sản xuất xe máy, xe đạp và dệt may…
Bà Chang Shiao Chien, Phó giám đốc phát triển thị trường của Hiệp hội phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) cho biết, khu vực Đài Trung sở hữu một cụm công nghiệp tập trung với 80% máy công cụ do Đài Loan sản xuất từ khu vực này, đem về doanh thu hàng năm hơn 4 tỷ USD, xuất khẩu sang 138 quốc gia trên thế giới. Theo đó, Đài Loan đã trở thành nhà xuất khẩu máy công cụ lớn thứ 5 trên thế giới sau Đức, Nhật, Ý và Trung Quốc.
Năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 98,9 triệu USD máy công cụ từ Đài Loan và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Đài Loan. Trong các loại máy công cụ, Việt Nam nhập nhiều nhất là máy gia công kim loại, máy tiện và máy mài.