【kết quả trận đấu argentina】Sau scandal xe máy dầu, Volkswagen chuyển hướng sang ô tô điện
Trong thông báo chính thức mới nhất của Hội đồng quản trị Volkswagen, hãng cho biết sẽ chuyển mục tiêu sang sản xuất ô tô điện. Hướng đi này được đưa ra sau đúng 1 tháng kể từ scandal VW sử dụng "thiết bị lừa dối" trên các mẫu xe diesel, khiến tập đoàn này rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của mình.
Kế hoạch tổng thể mới nhất của công ty là sẽ cắt giảm chi phí đầu tư trên nhãn xe thương hiệu Volkswagen 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD) mỗi năm nhằm đạt ngân sách gọn nhẹ, qua đó tập trung vào phát triển xe chạy điện. Điều đó có nghĩa rằng những dự án dang dở như phát triển siêu xe Bugatti Veyron thế hệ tiếp theo có khả năng sẽ bị tạm dừng.
Đáng chú ý, VW tiết lộ sẽ đánh dấu sự chuyển hướng này bằng việc sản xuất phiên bản dùng điện cho dòng Phaeton, mẫu sedan xa xỉ dẫn đầu (flagship) của hãng hiện đang dùng động cơ xăng W12. Chiếc Phaeton chạy hoàn toàn bằng điện dự kiến sẽ ra mắt vào khoảng năm 2019 – 2020, với “phạm vi hoạt động lớn, khả năng kết nối tốt, cùng những hệ thống phần mềm và loạt cảm biến hỗ trợ thế hệ mới”.
"Người khổng lồ" xe hơi Đức cũng cho biết sẽ hướng đến việc phát triển các mẫu lai điện dân dụng – xăng (plug-in hybrid) và mẫu chỉ dùng điện trên nền tảng khung gầm MQB danh tiếng. Nền tảng này vốn được coi là thứ "vũ khí" mạnh nhất của hãng, mở ra cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực thiết kế xe hơi ít năm trước, và đang sử dụng trên rất nhiều model bán chạy như Audi A3 hay Volkswagen Golf. VW còn phát triển riêng một modul điện mới có tên gọi “MED Modular Tookit” để lắp ráp trên những chiếc ô tô chở khách và xe thương mại loại nhỏ, có thể chạy được 250 – 500 km sau mỗi lần sạc.
Volkswagen "yêu" động cơ diesel đến mức họ làm riêng thiệp chúc mừng sinh nhật cho loại động cơ không dùng bugi đánh lửa này. Ảnh: Volkswagen
Thực tế là, những năm gần đây tất cả các hãng xe hơi đều được yêu cầu đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ nhiêu liệu thay thế để có thể đáp ứng những tiêu chuẩn khí thải ngày càng ngặt nghèo. Với Volkswagen, họ chọn hướng nghiên cứu phát triển động cơ diesel mà cụ thể là công nghệ TDI cho mức tiêu hao nhiên liệu và lượng phát thải đều rất thấp. Tại thị trường Hoa Kỳ, xe máy dầu chiếm khoảng 25% doanh số bán hàng của tập đoàn.
VW đã đặt cược rất nhiều vào động cơ diesel, với các chiến dịch quảng cáo tốn kém giới thiệu về lợi ích của loại nhiên liệu "sạch" này. Các cụm từ “nhãn hiệu xe máy dầu số 1 tại Mỹ” và “sử dụng dầu diesel sạch” được lặp lại nhiều lần suốt những năm qua trên sóng truyền hình Hoa Kỳ. Nhưng sau vụ bê bối làm rúng động cả thế giới vừa rồi, tất cả danh tiếng nói trên đều sụp đổ hoàn toàn. Hãng sẽ mất hơn 1 năm để thu hồi và sửa chữa 11 triệu xe máy dầu trên khắp thế giới, tốn kém hàng chục tỷ USD để giải quyết các vấn đề pháp lý cũng như thiệt hại về doanh số bán hàng.
Vì thế, việc tập đoàn này chuyển trọng tâm phát triển được xem là một bước đi đúng đắn và cấp thiết. Chủ tịch hội đồng quản trị công ty VW Herbert Diess cho biết: “Thương hiệu Volkswagen sẽ tái định vị bản chất trong tương lai bằng những chương trình thiết thực và hiệu quả. Tất cả thành viên ban quản trị chúng tôi cùng toàn thể nhân viên sẽ tăng tốc làm việc hết mình, tập trung vào những dòng sản phẩm và công nghệ cốt lõi, định hình tương lai cho công ty”.
Phiên bản kế tiếp của Volkswagen Phaeton sẽ đánh dấu sự chuyển hướng sang công nghệ điện hoàn toàn. Ảnh: vwvortex
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận xét đây không phải là một sự thay đổi có thể dễ dàng thực hiện. Đến nay, thị trường ô tô điện thuần túy đã được tách ra làm hai. Một bên là những chiếc xe xa xỉ của Tesla giá khoảng 100.000 USD, sử dụng các công nghệ đỉnh cao, có thể chạy đến 265 dặm (427 km) sau mỗi lần sạc. Bên còn lại giá cả phải chăng hơn, nhưng chỉ chạy được phạm vi dưới 150 km (ví dụ mẫu e-Golf của Volkswagen giá chỉ 29.000 USD). Nếu không có nhiều năm đầu tư nghiên cứu, sẽ là rất khó để VW có thể sản xuất thành công một mẫu sedan cỡ lớn như Phaeton mà chỉ dùng năng lượng điện.
Đó là lý do tại sao hãng nói mình trước hết "tập trung vào xe plug-in hybrid", kết hợp một động cơ điện dân dụng với một động cơ xăng. Thương hiệu anh em với VW là Audi đã đặt sử dụng “plug-in hybrid” trên các phiên bản của model R8 và A3, đặt biệt danh là "E-tron". Các thương hiệu xe sang Bentley và Lamborghini trong tập đoàn VW cũng đang lên kế hoạch giới thiệu phiên bản plug-in hybrid cho mẫu xe SUV sang trọng sắp tới của họ.
Dù sao đi nữa, Volkswagen vẫn đang là hãng xe hơi lớn nhất thế giới, với đội ngũ đông đảo các kỹ sư và nhà thiết kế tài năng xuất chúng. Người hâm mộ hãng xe Đức này ở khắp nơi trên thế giới đang rất nóng lòng chờ đợi họ sẽ làm gì trong thời gian sắp tới để vực dậy danh tiếng lừng lẫy của mình./.
Ngọc Vũ (theo Mashable / Wired)