【nhận định trận real madrid】APEC 2016: Hướng tới phát triển bền vững trong khu vực
* Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự
APEC thành lập năm 1989, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 59% GDP và 53% thương mại toàn cầu. Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Những nền tảng cho tăng trưởng bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương”, hội nghị lần này tập trung thảo luận 4 ưu tiên chính về liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển nguồn nhân lực. Đây cũng là những nội dung xuyên suốt mà nước chủ nhà Peru cùng 20 nền kinh tế thành viên còn lại thúc đẩy trong Năm APEC 2016.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế-thương mại khu vực và toàn cầu suy giảm, cùng với các vấn đề an ninh và môi trường tác động mạnh đến triển vọng phát triển bền vững, các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về thực trạng kinh tế toàn cầu và khu vực, các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về cách thức thúc đẩy quá trình quốc tế hóa và sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97% tổng số doanh nghiệp tại các nền kinh tế APEC) trong chuỗi giá trị toàn cầu, xác định các mục tiêu chung nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ thương mại số, dịch vụ và kinh tế tri thức.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu và khan hiếm nguồn nước, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc phát huy vai trò của APEC như một cơ chế thúc đẩy các chính sách ứng phó với nguy cơ mất an ninh lương thực. Để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế sâu rộng tại khu vực, các biện pháp tăng cường các kết nối cứng, kết nối số, kết nối thể chế và kết nối con người trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ là những nội dung được các nhà lãnh đạo quan tâm thảo luận.
Một trọng tâm khác chắc chắn cũng sẽ được đề cập tại APEC 2016 là việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), văn kiện sẽ mở đường cho một khu vực thương mại tự do bắc qua hai bờ Thái Bình Dương, nhưng lại không “được lòng” Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump luôn bác bỏ và chỉ trích TPP - hiệp định mà Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cố công vận động để thông qua - là “một thảm họa”. Ông thậm chí tuyên bố sẽ đưa Mỹ ra khỏi hiệp định này. Sự thay đổi chính sách (nếu có) của Mỹ trong vấn đề này chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực tới việc hoạch định chiến lược thương mại của các quốc gia đã ký TPP.
Tham dự APEC 2016, đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu, với phương châm chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương, khẳng định vị thế chủ nhà Năm APEC 2017, đóng góp tích cực vào các quan tâm chung của Diễn đàn, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác chủ chốt, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp của APEC tăng cường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Kể từ khi gia nhập APEC năm 1998, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác APEC trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Việt Nam cũng đăng cai tổ chức và triển khai thành công hơn 70 sáng kiến và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống chủ nghĩa khủng bố... Nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 với thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 đề ra triển vọng dài hạn về hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, thông qua Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor và các biện pháp cải cách để nâng cao hiệu quả hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.