Tâm huyết với cây xương rồng
Anh Trần Văn Vũ (sinh năm 1986) lớn lên ở phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Vùng đất này có những bãi cát dài với những khóm cây xương rồng mọc dày (người dân địa phương gọi là lưỡi rồng - tên khoa học là Nopalea cochenillifera).
Tốt nghiệp Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm 2011 với chuyên môn là kỹ sư xây dựng, anh Trần Văn Vũ làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, trong một lần tình cờ tiếp cận thông tin về cây xương rồng (qua phương tiện truyền thông), anh nhận thấy đây là loại rất có giá trị ở các nước như Hoa Kỳ, Mexico, Ấn Độ nhưng tại Việt Nam, rất ít người nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư phát triển loại cây này thành mặt hàng kinh tế.
Đối với người dân vùng biển Phú Yên, cây xương rồng gắn liền ký ức tuổi thơ. Cây có thể dùng cho các món ăn dân dã (nướng, luộc, nấu canh…), có chất dinh dưỡng cao và khả năng điều trị một số bệnh rất tốt. Đây là cơ sở để anh Trần Văn Vũ quyết tâm theo đuổi, chinh phục dự án chiết xuất cây xương rồng, tạo ra sản phẩm giá trị mang hình ảnh Phú Yên.
“Từ nhỏ, tôi đã thấy những người thân của mình dùng loại cây này để làm thức ăn và chữa bệnh. Cây rất dễ trồng và có thể bắt gặp ở hầu hết những bãi cát trong vùng. Tại sao không biến loại cây này trở thành mặt hàng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt của người dân và tạo nên thương hiệu cho vùng đất Phú Yên. Đó là tâm huyết và cũng là những câu hỏi mà tôi từng ngày đi tìm câu trả lời”, anh Vũ tâm sự.
Năm 2018, anh Trần Văn Vũ dùng mọi nguồn lực xây dựng vùng nguyên liệu; từ 300 m2, đến nay, anh sở hữu 5 ha cây xương rồng được trồng tại thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa. Đi kèm với đó là sự ra đời của Công ty Cổ phần Organic Nopal Việt Nam tại khu phố Phú Thọ, phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa.
Cũng như nhiều thanh niên khác, chặng đường khởi nghiệp của anh Trần Văn Vũ không dễ dàng. Cây xương rồng tuy dễ trồng nhưng trong quá trình nghiên cứu sản xuất ra thành phẩm rất khó. Điều này đòi hỏi chi phí và kỹ thuật cao, trong khi những sản phẩm đầu tiên của anh Vũ lại hướng về mặt hàng thực phẩm sợi bún, phở, bánh tráng… Dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng khó tiếp cận và cạnh tranh với sản phẩm truyền thống.
Không nản lòng, anh tìm đến chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hóa học, thực phẩm nhờ chỉ bảo. Đó là cơ sở để công nghệ chiết xuất từ xương rồng tươi, tiên tiến, thân thiện môi trường ra đời và cũng là yếu tố quan trọng để cho ra những sản phẩm chất lượng.
Tiến sĩ Lê Xuân Sơn, Khoa Thủy sản - Thực phẩm, Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên đánh giá: Vũ luôn dành tâm huyết cho cây xương rồng và hướng đi của em đầy triển vọng. Chúng tôi đồng hành, hỗ trợ và tư vấn để giúp Vũ thuận lợi hơn trên con đường khởi nghiệp. Các phương pháp mà công ty của Vũ đang áp dụng không chỉ bảo toàn được các loại vitamin, khoáng chất và hoạt chất quý có trong lá xương rồng, tạo ra sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, dược tính cao cho ngành thực phẩm và mỹ phẩm, mà còn rất thân thiện môi trường.
Đóng góp cho phát triển của quê hương