Chỉ có thể diễn tả bằng hai từ: vất vả... khi nói về những người lao động này.
Trưa nắng,ưusinhmanắnhận định giải trung quốc chị Loan vẫn miệt mài với công việc mua ve chai.
Dưới cái nắng như thiêu như đốt của những ngày hè, những người lao động vẫn miệt mài, lặng lẽ mưu sinh, vì đó là cuộc sống của họ, Nắng trưa gay gắt, chị Phạm Thị Bích Loan, ở khu vực 3, phường I, thành phố Vị Thanh, vẫn lặng lẽ bước từng bước chân trên mặt đường nhựa để đẩy chiếc xe thu mua phế liệu về phía trước. Dù trời có nắng như thế nào, chị vẫn cố gắng đi mua từng miếng ve chai, mảnh sắt vụn, những đồ phế liệu người ta bỏ đi… bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhìn cảnh tượng ấy, nhiều người không khỏi chạnh lòng, bởi ngồi trong nhà mà còn không chịu nổi cái nắng giữa trưa, trong khi chị phải đẩy xe đi khắp các con đường, ngõ hẻm để thu mua phế liệu. Nắng trưa gay gắt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, chị Loan cho biết: “Cả hai vợ chồng đều đi mua phế liệu, nhưng cuộc sống cứ đắp đổi qua ngày. Bất kể mưa hay nắng, tôi đều không dám nghỉ. Mấy bữa rày trời nắng nóng quá, đẩy xe cả ngày phồng cả tay, chân mà vẫn phải cố gắng để có tiền lo cho gia đình. Nghề này làm “ngay ngọ” luôn vì giờ này mới có người ta ở nhà nhiều”. Dù vất vả cả ngày, nhưng nếu ngày nào mua được nhiều, thì chị mới lời được 50.000-60.000 đồng. Theo chị Loan, những năm gần đây, giá phế liệu rẻ, nên việc mua bán cũng khó khăn hơn. Từ đó, đồng nghĩa thu nhập cũng giảm nhiều so với trước. Trò chuyện được ít câu, chị Loan vội vã lê từng bước chân trên con đường nhựa nóng hổi với công việc thường nhật của mình, bởi chị hiểu rằng cuộc sống túng thiếu, nếu ngày nào chị mua được ít đồ thì tiền đâu lo chuyện cơm nước rồi học hành cho con.
Cũng như chị Loan, mỗi ngày bà Đồng Thị Láng, ở khu vực 6, phường IV, thành phố Vị Thanh, cũng đội nắng để đi bán từng tờ vé số. Bà Láng cho biết: “Trưa nắng gắt thế này, bà cũng phải ráng mà lội đi bán, nếu nghỉ trưa chỉ sợ bán không hết, lỗ vốn. Bây giờ bán vé số ế ẩm lắm, bởi thời tiết nắng bức quá, ai cũng muốn đi cho thật nhanh, chẳng ai muốn rề rà ngoài đường giữa trưa nóng như thế này”. Năm nay, bà Láng đã 75 tuổi nhưng chưa ngày nào bà cho phép mình nghỉ ngơi. Mỗi ngày, bà Láng lấy 50 tờ vé số, có ngày bán hết, nhưng có ngày cũng bị hụt vốn. Vì thế, dẫu trưa nắng như đổ lửa, nhưng bà vẫn lặn lội để bán, những khi mệt quá thì bà tìm chỗ mát, dừng chân nghỉ ngơi giây lát, rồi lại tiếp tục với công việc của mình.
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến nhiều người dân rất ngại khi phải đi ra đường, nhất là vào buổi trưa. Thế nhưng với những người lao động, bất chấp bụi bặm, nắng, gió và hơi nóng của nhựa đường họ vẫn phải cố gắng làm việc, bởi nghỉ làm sẽ đồng nghĩa với việc mất đi một khoản thu nhập, để lo cho cuộc sống hàng ngày. Trốn nắng dưới một bóng cây ngay góc đường Trần Hưng Đạo, thành phố Vị Thanh, ông Đinh Hùng Sơn, ở khu vực 3, phường IV, thành phố Vị Thanh, liên tục lau mồ hôi. Gần 10 năm làm nghề chạy xe ôm, ông Sơn cho biết: “Dù thời tiết nắng nóng, nhưng tôi cũng chẳng dám nghỉ, bởi nghỉ sẽ mất khách, với lại không đủ tiền mua gạo nấu cơm. Buổi trưa, nhiều “đồng nghiệp” về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi, đến 1, 2 giờ mới trở ra chạy xe. Còn tôi tranh thủ thời gian này, bởi khi nào vắng xe, mình sẽ đắt hơn. Vẫn biết làm việc giữa trưa nắng như thế này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng phải chấp nhận để kiếm tiền trang trải cuộc sống”. Gắn bó với công việc khá lâu, nên đã thành thói quen cứ 6 giờ sáng thì ông rời khỏi nhà, đến trưa về ăn cơm chừng 15 phút, sau đó, lại tiếp tục với công việc, đến 5 giờ chiều mới về nhà. Những buổi trưa nắng gắt, ông thường núp dưới những bóng cây cho đỡ nóng, bởi thời tiết quá oi bức. “Trời nắng dù vất vả, mệt mỏi nhưng bù lại cũng có khách, có đồng ra đồng vô. Được vậy là mừng rồi”, ông Sơn hề hà.
Mỗi người một câu chuyện trốn nắng, tránh nóng và mỗi người đều có câu chuyện mưu sinh cho riêng mình, nhưng tất cả đều có điểm chung là “sống chung với nắng nóng”. Mồ hôi ướt lưng chuẩn bị vào nghỉ trưa, anh Lê Thanh Hai, làm thợ hồ ở phường IV, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Làm nghề này ra nắng riết quen luôn rồi, nhưng thú thật mùa này sao nắng ghê quá, nhiều anh em làm thợ hồ cũng bệnh cảm này kia phải nghỉ vài ngày rồi. Tôi thì cũng ráng, nuôi vợ với mấy đứa con nữa, chứ đúng là nắng chịu không nổi luôn”.
Không chỉ những bác xe ôm, những người bán vé số, những người mua bán ve chai hay những người thợ hồ, mà tất cả những lao động nghèo, cuộc sống của họ vốn đã bấp bênh, nay lại càng vất vả hơn. Mong sao cái nắng mùa hè bớt đi sự gay gắt, để những gương mặt và tấm áo nhọc nhằn bớt ướt đẫm mồ hôi, để những người lao động nghèo đỡ phần vất vả hơn…
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU