【giải hy lạp】Chủ động bảo vệ vụ mùa

Báo Cà Mau(CMO) Huyện Trần Văn Thời có hệ sinh thái đa dạng, với nhiều mô hình sản xuất ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, là địa phương ven biển, chịu sự tác động mạnh từ các hiện tượng bất thường của thiên tai, thời tiết nên thời gian qua các ngành liên quan và Nhân dân vừa sản xuất, vừa chủ động ứng phó thiên tai.

Vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời có tổng diện tích tự nhiên hơn 50.000 ha, được khép kín bởi hệ thống cống tiểu vùng phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Hiện tại toàn huyện có hơn 28.950 ha đất sản xuất lúa 2 vụ, hơn 3.000 ha trồng hoa màu, hàng trăm héc-ta cây ăn trái và nuôi các loài thuỷ sản nước ngọt.

Nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương trong việc đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi và chủ động trong quá trình sản xuất nên thời gian qua năng suất lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi thuỷ sản của người dân luôn ổn định, có chiều hướng ngày càng phát triển.

Nông dân Ấp 19/5, xã Khánh Bình trồng cải đón Tết.

Ðối với sản xuất lúa 2 vụ, những năm qua các ngành chuyên môn triển khai mô hình sản xuất lúa an toàn đến bà con, giúp hạn chế rủi ro, giảm bớt chi phí, tăng thêm lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Hội, ấp Rạch Ruộng C, xã Khánh Lộc, cho biết: "Tham gia sản xuất lúa an toàn, nông dân có nhiều cái lợi. Thứ nhất, được Nhà nước hỗ trợ 50% lúa giống, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất. Thứ hai, mô hình này sản xuất đồng loạt từ khâu xuống giống đến lúc thu hoạch nên tiết kiệm được các khoản chi phí đầu tư cho sản xuất. Thứ ba, được sự hướng dẫn chu đáo của nhân viên kỹ thuật, khi có sâu bệnh xảy ra, nông dân phòng trừ kịp thời, hạn chế được thiệt hại. Tôi thấy mô hình này cần được duy trì và nhân rộng trong thời gian tới, nhằm giúp nông dân giảm bớt chi phí, tăng cao lợi nhuận".

Ngoài sản xuất lúa 2 vụ, huyện có hơn 2.300 ha sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm. Những năm gần đây, năng suất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm của nông dân không ngừng được nâng lên. Ðặc biệt là nhiều nơi sản xuất giống lúa ST24 đạt năng suất khá cao, gần 1 tấn/công. Ðây là sản phẩm lúa sạch, do trong quá trình sản xuất, nông dân ít hoặc không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ duy trì mô hình sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm mà thời gian qua thu nhập của người dân không ngừng tăng lên.

Cùng với sản xuất lúa, nông dân trong huyện duy trì diện tích trồng hoa màu hàng năm khoảng 3.000 ha. Ðặc biệt là mô hình đưa màu xuống ruộng ở xã Trần Hợi, mỗi hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/vụ.

Ông Ngô Văn Minh, Ấp 5, xã Trần Hợi, phấn khởi cho biết: "Nông dân ở đây ngoài thu nhập từ 2 vụ lúa, bà con còn thu nhập thêm từ vụ hoa màu dưới ruộng và được coi là vụ sản xuất thứ 3 trong năm. So với sản xuất lúa, thu nhập từ vụ hoa màu cao hơn gấp nhiều lần, trung bình mỗi héc-ta nông dân thu nhập từ 50-70 triệu đồng/vụ nên bà con duy trì và ngày càng mở rộng diện tích mô hình này".

Những năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các loại cây trồng được người dân tích cực triển khai thực hiện. Ðặc biệt, nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng cây ăn trái cho thu nhập khá ổn định.

Ông Huỳnh Công Lý, Ấp 5, xã Trần Hợi, thực hiện mô hình trồng xoài lớn nhất tỉnh Cà Mau, có tổng diện tích khoảng 5 ha, với hơn 2.500 gốc xoài Ðài Loan xanh và Ðài Loan đỏ. Bình quân hàng năm thu về khoảng 350-400 triệu đồng/vụ.

Mặc dù có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, nhưng tình hình biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai, thời tiết có xu hướng ngày càng cực đoan đã tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân. Ðể đảm bảo cho các mô hình sản xuất ổn định, bền vững, thời gian qua huyện Trần Văn Thời đề xuất các ngành liên quan và tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất. Trong đó, việc quy hoạch, khép kín các tiểu vùng và lắp đặt các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước đã góp phần quan trọng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Từ khi các trạm bơm nằm trên tuyến lộ Tắc Thủ - Sông Ðốc và một số tiểu vùng đưa vào vận hành đã chủ động trong việc điều tiết nước, hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngoài ra, nông dân đã chủ động liên kết trong sản xuất lúa 2 vụ, tập trung xuống giống và thu hoạch đồng loạt theo từng khu vực nên hạn chế được rủi ro, duy trì năng suất và chất lượng các trà lúa.

Thời gian tới, huyện Trần Văn Thời tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng ngọt hoá, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi để chủ động hơn nữa trong quá trình sản xuất, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra./.

 

Trần Quốc