Tuy nhiên, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công cần tính toán kỹ hiệu quả, đảm bảo cân đối vĩ mô, cân đối ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu dự kiến giảm mạnh do dịch bệnh.
Khả năng ngân sách hụt thu lớn
Năm 2020, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được phép thực hiện trong kế hoạch là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang. Như vậy, với yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020, khối lượng công việc phải thực hiện, giám sát cũng lớn hơn rất nhiều.
Theo các chuyên gia, việc kích thích tổng cầu thông qua đầu tư công là giải pháp đặc biệt quan trọng để bù đắp khi đầu tư tư nhân, nhu cầu chi tiêu trong xã hội sụt giảm. Đầu tư công nếu được thực hiện đúng mục đích sẽ tăng cầu của nền kinh tế, giúp nền kinh tế phục hồi nhanh đồng thời tạo ra năng lực tăng trưởng trong tương lai, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng cho biết.
Đồng tình quan điểm này, song TS. Hoàng Quang Hàm - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, trả lời Truyền hình Nhân dân mới đây cũng lưu ý rằng, số vốn đầu tư công gần 700 nghìn tỷ đồng là theo dự toán Quốc hội đã phê duyệt từ cuối năm 2019, trong điều kiện kinh tế bình thường. Với thực tế hiện nay, có thể thấy khả năng hụt thu năm nay là rất lớn khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa. Chúng ta lại thực hiện nhiều chính sách giãn, miễn, giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. Trong khi đó, khả năng cắt giảm chi thường xuyên không có nhiều dư địa, khi ngân sách phải bổ sung nhiều khoản chi để phòng chống dịch bệnh. Như vậy, để đảm bảo được nguồn lực này cho đầu tư công, bên cạnh việc thực hiện thu đúng, thu đủ, tối đa nguồn thu, cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có thể phải tính toán lại cân đối ngân sách, nếu không đủ phải tính đến việc trình Quốc hội nới trần bội chi, nợ công.
Báo cáo của Chính phủ mới đây cho biết, thu NSNN năm 2020 dự kiến giảm khoảng 130 - 150 nghìn tỷ đồng, ước tính dựa trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,3% (mức dự báo khá cao so với dự báo của IMF là 2,7%); giá dầu bình quân cả năm khoảng 30 - 35 USD/thùng; thực hiện các biện pháp giãn, giảm thuế, phí và cơ bản chưa thu được khoản tiền bán vốn nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế.
Cùng với việc cân đối nguồn lực, việc phải sắp xếp, rà soát lại các dự án đầu tư công cũng là vấn đề được đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh. Đến nay, các dự án năm 2020 cơ bản đã được giao xong theo dự toán, song đó là giao trong tình hình không có dịch bệnh. Với thực tế hiện nay, việc đầu tư công cần thiết phải sắp xếp lại. Theo đó, sẽ có những dự án cần ưu tiên tập trung đầu tư như chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự án tạo động lực tăng trưởng vùng hay an ninh năng lượng điện…
Nhưng cũng có những dự án chưa cần thiết có thể gác lại, hoặc do tình hình mới phát sinh nhiệm vụ mới thì phải đình hoãn lại để dành nguồn vốn cho các nhiệm vụ mới.
Hiệu quả đầu tư phải được đặt trong tổng thể
Phân tích về một đề xuất của Chính phủ về sắp xếp lại các dự án đầu tư công là chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công, TS. Hoàng Quang Hàm cho rằng cần đánh giá cụ thể. Bởi trước đây khi trình Quốc hội dự án thực hiện theo PPP (hợp tác đối tác công tư) chúng ta đã có đánh giá là cần thiết, khả thi, nay khi chuyển đổi lại cũng phải làm rõ tính hợp lý. Quan trọng hơn nữa là nguồn vốn, khi theo kế hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020, dự án cao tốc Bắc - Nam được bố trí 55.000 tỷ đồng, nay nếu chuyển sang thực hiện đầu tư công thì nguồn vốn còn thiếu khoảng 100.000 tỷ đồng. Để có nguồn vốn này, chỉ có 2 phương án. Một là trình Quốc hội cho phép vay thêm, phát hành trái phiếu, nới trần bội chi. Hoặc là phải sắp xếp lại nguồn tiền đã giao cho các dự án khác để chuyển sang cho các dự án này. Việc phát hành trái phiếu cũng phải tính toán yếu tố thị trường hấp thụ đến đâu trong bối cảnh dịch bệnh còn ảnh hưởng.
Một vấn đề nữa được đại biểu Quốc hội quan tâm là tính hiệu quả khi chuyển đổi. Việc chuyển các dự án sang đầu tư công sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng, việc làm, thu nhập và nhất là tốt hơn khi dùng nguồn vốn này để cho các dự án cao tốc hơn là các dự án đang làm ra sao. Đặc biệt, phải đánh giá tác động đến cân đối ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Theo TS Hoàng Quang Hàm: “Hiệu quả phải được đặt trong tổng thể, nguồn lực có hạn thì phải tính toán đầu tư vào đâu cho hiệu quả cao nhất”.
Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) mới đây cũng có đề xuất liên quan đến việc chuyển đổi các dự án cao tốc Bắc Nam theo phương thức đầu tư công. Theo hiệp hội, trong giai đoạn hiện nay, vốn đầu tư công cũng đang cần cho nhiều nhiệm vụ mới rất cấp bách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sức khỏe và đời sống người dân... Vốn ngân sách để đầu tư công cần ưu tiên đầu tư vào những dự án có nhu cầu cấp bách, vùng khó khăn, hoặc đầu tư vào các dự án không thu hút được vốn đầu tư tư nhân. Trong khi đó, các dự án được đầu tư theo phương thức PPP còn là giải pháp tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để vượt qua khó khăn, khôi phục sau thời gian dịch bệnh, cũng là phương án góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế - xã hội.
Việc đẩy nhanh đầu tư công để khôi phục nền kinh tế là rất kịp thời và cần thiết lúc này. Càng cần thiết hơn, là việc tính toán cân đối nguồn lực, hiệu quả để đảm bảo cân đối vĩ mô và tránh việc phát sinh những dự án kém hiệu quả, có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí như đã từng xảy ra trước đây.
“Đầu tư công hiện nay chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng vấn đề chính là phải tạo việc làm, tăng thu nhập thì mới bền vững, nâng được sức chống chịu của nền kinh tế” – TS. Hoàng Quang Hàm cho biết. |
H.Y