Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần “bà đỡ” để kết nối thị trường quốc tế | |
Hợp tác để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu | |
Giải “bài toán” tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ |
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA). |
Ông đánh giá như thế nào về những chính sách hỗ trợ và khả năng thụ hưởng chính sách của các doanh nghiệp ngành CNHT hiện nay?
Ngành công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng trong nhiều năm qua đã nhận được sự quan tâm lớn từ Đảng và Nhà nước bởi vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, mới đây nhất, Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã có nhiều nội dung ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp và CNHT với những yêu cầu về nguồn lực, cơ chế, chính sách đột phá...
Tính đến nay, cả nước đã có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Trải qua gần 3 năm chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp ngành CNHT cũng chịu nhiều ảnh hưởng trong việc sản xuất, xuất khẩu đơn hàng cũng như khó khăn trong việc tham gia chuỗi cung ứng với doanh nghiệp quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNHT đã có sự thích ứng linh hoạt với chỉ đạo của các cơ quan liên quan. Các doanh nghiệp, doanh nhân đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất, tham gia các diễn đàn, hội chợ… để tăng khả năng kết nối bạn hàng, tái sản xuất… Để làm được điều này, các doanh nghiệp CNHT đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, do đặc thù của các doanh nghiệp CNHT là doanh nghiệp sản xuất, tập trung vào sản xuất nên vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến vấn đề tiếp cận cơ chế chính sách, dù hiện đã ban hành khá đầy đủ. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách vẫn chưa “gặp” được doanh nghiệp. Chẳng hạn như để được hỗ trợ và ưu đãi, doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận ưu đãi cho sản phẩm, dự án CNHT nhưng hiện mới chỉ có khoảng 160 trên tổng số 5.000 doanh nghiệp CNHT được chứng nhận, đa phần là doanh nghiệp FDI. Theo phản ánh của các doanh nghiệp hội viên HANSIBA, nguyên nhân chủ yếu là thủ tục tương đối nhiều, doanh nghiệp cần phải làm tới 20-30 bộ thủ tục hành chính mới được cấp giấy chứng nhận.
Hiện cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp CNHT còn nhiều khó khăn, theo ông, vấn đề này cần giải pháp tháo gỡ ra sao?
Cùng với một số khó khăn về thủ tục, các doanh nghiệp ngành CNHT còn gặp khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi về tín dụng, đất đai, công nghệ... Chẳng hạn, hiện cả nước đang có rất nhiều khu công nghiệp, nhưng các khu công nghiệp thường dành nhiều ưu đãi và chào đón doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp thuê đất diện tích lớn hơn 10.000 ha trở lên mà chưa quan tâm nhiều đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ cần diện tích đất từ 500 m2.
Để tháo gỡ về đất đai, Quốc hội đang lấy ý kiến xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Doanh nghiệp hy vọng cơ chế về đất đai sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp CNHT Nam Hà Nội (HANSSIP) đã ưu tiên chia nhỏ, dành quỹ đất cũng như chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT quy mô nhỏ và vừa đến đầu tư và phát triển.
Về vấn đề đầu tư thiết bị và máy móc, đây luôn là khó khăn đối với doanh nghiệp CNHT Việt Nam do nguồn tài chính còn hạn hẹp nên việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng từ các nước tiên tiến là giải pháp tối ưu. Hơn nữa, một số cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu linh kiện, thiết bị, máy móc thuận tiện hơn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định quy định hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo phương thức đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu đối với doanh nghiệp công nghệ cao; dự án hoạt động ứng dụng công nghệ cao hoặc dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt theo quy định. Vì thế, các doanh nghiệp ngành CNHT cũng mong muốn được hỗ trợ và tạo điều kiện như vậy, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thời gian thông quan hàng hóa. Việc hàng hóa đã qua sử dụng được nhập khẩu chính ngạch, được kiểm tra chất lượng chặt chẽ sẽ đảm bảo về độ bền cũng như vấn đề giảm thiểu tác động đến môi trường và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan Hải quan tạo điều kiện, thiết lập cơ chế đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ.
Từ những khó khăn của các doanh nghiệp CNHT, ông có kiến nghị gì để phát triển ngành CNHT hiệu quả hơn?
Năm 2023, làn sóng đầu tư FDI sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu Đông Nam Á nên dự báo dư địa phát triển ngành CNHT còn rất nhiều. Hàng trăm tỷ USD được thống kê trong kim ngạch xuất nhập khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này.
Các doanh nghiệp ngành CNHT luôn mong muốn được tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, trong đó mong muốn sớm ban hành Luật Phát triển CNHT và các văn bản thực thi dưới luật. Điều đáng mừng là luật này đang được Quốc hội đề nghị đưa vào nghị trường thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023. Nhưng sau đó, việc ban hành các văn bản dưới luật cần hết sức cụ thể, trở thành “kim chỉ nam” để các cấp, các ngành chung tay thể chế hóa khuyến khích phát triển ngành CNHT.
Các doanh nghiệp CNHT cũng kiến nghị Chính phủ thành lập ban chỉ đạo quốc gia liên ngành về phát triển công nghiệp, trong đó có một Phó Thủ tướng chuyên trách để khi doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị sẽ được giải quyết kịp thời. Ngoài ra, Nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng vùng, từng lĩnh vực để phát triển lĩnh vực công nghiệp, tạo thành những khu kinh tế trọng điểm, “đầu tàu” cho phát triển CNHT; đồng thời quan tâm thêm về tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp CNHT, ngoài tín dụng có thể xét thêm nguồn vốn ODA. Hơn nữa, việc khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNHT cũng cần được lưu ý để hệ sinh thái CNHT ngày càng đa dạng và hiện đại.
Xin cảm ơn ông!