【xh c1】Chứng khoán châu Á đi xuống trong chiều 10/8

Chứng khoán châu Á đi xuống trong chiều 10/8
Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc.

Giới giao dịch đang lo ngại rằng các số liệu lạm phát “nóng” có thể gây áp lực cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì tốc độ tăng lãi suất mạnh.

Chứng khoán Nhật Bản đi xuống khi đóng cửa phiên 10/8 với chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,65% (180,63 điểm) xuống 27.819,33 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc cũng mất điểm khi cổ phiếu của “đại gia” công nghệ Samsung Electronics giảm tới 1,5% do dự báo thu nhập ảm đạm của các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Micron Technology Inc., cho thấy nhu cầu chip toàn cầu tiếp tục giảm. Phiên này, chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,9% (22,58 điểm) xuống 2.480,88 điểm.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính cũng đồng loạt đi xuống khi nhà đầu tư không tỏ ra lo ngại trước tin tức rằng chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 7 đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm.

Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm tới 1,96% (392,60 điểm) xuống 19.610,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải để mất 0,54% (17,41 điểm) xuống 3.230,02 điểm.

Các thị trường Sydney, Mumbai, Wellington, Taipei, Bangkok và Jakarta cũng đồng loạt giảm điểm trong phiên này.

Giới đầu tư đang đón đợi báo cáo giá tiêu dùng Mỹ với tâm lý nhiều lo ngại, khi giới phân tích cảnh báo mức lạm phát cao vượt kỳ vọng làm gia tăng khả năng Fed sẽ có một đợt tăng lãi suất mạnh khác đồng thời củng cố đồn đoán kinh tế suy thoái.

Fed cho biết quyết định của họ về thời điểm và mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chịu tác động từ các số liệu kinh tế. Giới chức của ngân hàng trung ương Mỹ vẫn đang vật lộn tìm ranh giới giữa việc đưa lạm phát khỏi mức cao nhất trong bốn thập kỷ và cố gắng không gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Thị trường từng hy vọng rằng việc các chỉ số gần đây cho thấy hoạt động kinh tế Mỹ đang chậm lại sẽ giúp Fed bớt “diều hâu” hơn. Nhưng mức tăng vọt về số việc làm trong tháng trước đã làm sống lại những đồn đoán về một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào tháng 9.

Các số liệu ngày 10/8 cũng được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm đối với thị trường thế giới, vốn đã chịu nhiều tác động từ một loạt các vấn đề đang tồn tại bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và căng thẳng Trung - Mỹ gia tăng liên quan đến tình hình Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, dù mùa thu nhập mới nhất không quá đáng lo như dự kiến trước đây, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy suy thoái kinh tế đang bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty. Một số công ty lớn - bao gồm Apple và Amazon – đã đưa ra triển vọng kém lạc quan hơn cho phần còn lại của năm.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, chỉ số VN - Index giảm 2,35 điểm (0,19%) xuống 1.256,5 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX - Index tăng 2,.13 điểm (0,71%) lên 303,54 điểm.