Một nhà ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng thúc đẩy một nghị quyết. Sẽ có hành động trong những ngày tới để xúc tiến bỏ phiếu về một nghị quyết bao gồm các biện pháp theo Chương 7 của Hiến chương LHQ, tức là sẽ có những lệnh trừng phạt". Các quan chức ngoại giao khác tại HĐBA đã xác nhận quá trình chuẩn bị này.
Hiện Anh, Pháp và Mỹ, ba ủy viên thường trực của HĐBA, muốn phát động một chiến dịch mới về các biện pháp trừng phạt sau khi phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập Kofi Annan hôm 7-6 nói rằng cộng đồng quốc tế phải cảnh báo Tổng thống Bashar al-Assad về "những hậu quả rõ ràng" nếu ông Assad không thực hiện kế hoạch hòa bình của quốc tế.
Cùng ngày, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC), với các nhân viên cứu trợ đang có mặt tại thực địa, đã mô tả tình hình tại nhiều khu vực ở Syria là "vô cùng căng thẳng."
Phát ngôn viên của ICRC, Hicham Hassan nói với báo giới rằng: "Hiện tình hình là vô cùng căng thẳng, không chỉ tại Houla và Hama mà tại rất nhiều địa điểm khác trên toàn quốc. Tôi nói đến vùng nông thôn Idlib và Đamát, Hama, và ở mức ít hơn là vùng nông thôn Aleppo, Daraa, Deir Azzor và cả Latakia ở duyên hải. Giao tranh đang diễn ra giữa quân đội Syria và các nhóm vũ trang đối lập để giành quyền kiểm soát các vùng nông thôn hoặc vùng ngoại ô của các thành phố hay thị trấn".
Ông Hassan cho biết ICRC hiện có mặt tại 19 tỉnh - tức là "hầu hết" Syria.
Khác với rất nhiều cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ khác, ICRC cùng Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Arập Syria được tiếp cận nhiều khu vực ở Syria.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, sau cuộc gặp với đặc phái viên Mỹ về Syria Fred Hof, các nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết Mátxcơva không biết liệu Tổng thống Syria Bashar al-Assad có ý định từ bỏ quyền lực hay không nhưng cũng không chính thức yêu cầu ông Assad từ chức./.
(Theo Vietnam+)